Số bài báo nghiên cứu khoa học của Việt Nam tăng mạnh

(khoahocdoisong.vn) - Việc đăng bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín như tạp chí WoS (ISI) và Scopus là mục tiêu của các đại học, nhất là trường thuộc nhóm nghiên cứu trên thế giới.
Nghiên cứu khoa học tại Đại học Hùng Vương TPHCM.

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Hùng Vương TPHCM.

Các bảng xếp hạng đại học thế giới uy tín như THE, QS, ARWU đều xem nghiên cứu khoa học là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá. Việc đăng bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín như tạp chí WoS (ISI) và Scopus là mục tiêu của các đại học, nhất là trường thuộc nhóm nghiên cứu trên thế giới. Năm 2016, cả nước chỉ có gần 11.000 công bố trên ISI, Scopus thì đến năm 2020 tăng lên gần 32.400, chủ yếu công bố của trường đại học.

Báo cáo của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) trong hội nghị giáo dục đại học năm 2021 diễn ra sáng 24/8 cho thấy giai đoạn 2016 - 2020, cả nước có hơn 97.700 công bố khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục WoS (ISI) và Scopus, trong đó số bài báo ISI là hơn 39.400 và Scopus hơn 58.400. Bài ISI, từ hơn 5.100 ở năm 2016 lên 10.850 năm 2020, tức tăng gần gấp đôi. Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học đóng góp phần lớn với hơn 7.500 bài (chiếm 69,1% tổng số bài ISI cả nước). Số bài báo Scopus tăng mạnh hơn. Năm 2016, cả nước có hơn 5.800 bài thì năm 2020 là hơn 21.500, tức cao hơn gần 3,7 lần. Phần lớn công bố trên tạp chí thuộc danh mục Scopus là đến từ trường đại học, tỷ lệ đóng góp tới 80 - 90%. Năm 2020, số bài Scopus từ các trường đại học chiếm 92,4% của cả nước; năm 2018 còn lên tới 98,2%.

Theo Đời sống
back to top