Sean Parker thừa nhận sai lầm khi góp phần tạo nên Facebook

Sean Parker, Chủ tịch đầu tiên của Facebook, đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc với mạng xã hội Facebook trong một cuộc phỏng vấn mới đây. Sean Parker cho rằng bằng việc tạo ra sự quan tâm ảo thông qua các lượt like, Facebook đang dần biến thành một con quái vật thống trị tâm lý con người hiện đại.

“Chỉ có Chúa mới biết chúng ảnh hưởng như thế nào tới trí não của bọn trẻ chúng ta”. Đó là điều mà Sean Parker đã thốt lên khi chia sẻ với trang Axios. Từ những nhận thức của cá nhân, Sean Parker đã công khai chỉ trích Facebook rằng chúng là mối nguy hiểm của xã hội, chúng đã khai thác “lỗ hổng tâm lý” của con người.

Sean Parker đã giữ vị trí chủ tịch Facebook từ tháng 6/2004 đến tháng 1/2006 cho biết, ngay từ đầu Facebook đã được họ tạo ra từ những lỗ hổng tâm lý của người dùng bằng cách mọi người đăng bài liên tục lên trang để nhận được nhiều lượt thích và bình luận hơn từ những người khác, tạo cảm giác như họ đang được quan tâm trên mạng xã hội.

Hơn nữa, việc nhận được lượt “thích” hay nhận xét cho mỗi status mà người dùng đăng tải lên Facebook sẽ mang lại cho họ một liều dopamine.

Ông cũng cho biết thêm mục đích của quá trình xây dựng Facebook là tìm cách để “người dùng tiêu tốn càng nhiều thời gian và sự tập trung của họ vào mạng xã hội càng tốt”.

“Đó chính xác là cách mà một hacker giống như tôi sẽ làm, bởi vì bạn đang khai thác một lỗ hổng trong tâm lý con người”, Sean Parker nói.

“Các nhà phát minh, người sáng tạo – là tôi, là Mark (Zuckerberg), là Kevin Systrom (người sáng lập ra Instragram), tất cả chúng tôi hiểu được điều này một cách rõ ràng. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn làm nó”.

Cho tới thời điểm này sau những phát ngôn chỉ trích của Sean Parker, Facebook vẫn chưa có bất kỳ động thái nào.

Trên thực tế, Parker không phải là người duy nhất lên tiếng chỉ trích về những tác hại mà Facebook mang lại cho người dùng, và nói xấu những thứ chính họ trước đây đã thiết kế ra. Trước đó, Tristan Harris, một cựu nhân viên của Google cũng từng thẳng thắn phê bình những mặt không tốt về các sản phẩm công nghệ của công ty họ.

“Nếu bạn là một ứng dụng, làm thế nào để bạn thu hút được sự chú ý của người dùng? Hãy tự biến bản thân thành một chiếc máy đánh bạc”, Tristan Harris đã từng chia sẻ trong một bài viết cá nhân.

Ông chia sẻ thêm: “Chúng ta cần một chiếc smartphone, có đầy đủ mọi thứ từ những thông báo trên màn hình, các trình duyệt web có sẵn, chúng dần biến chúng ta thành những bộ xương di động, phụ thuộc vào chúng. Chúng ta thường tạo dựng các mối quan hệ ảo và thể hiện bản thân thông qua những trang mạng xã hội và quên mất những điều thực sự cần làm trong cuộc sống thực tế bên ngoài”.

Roger McNamee, một nhà đầu tư cho cả Facebook và Google, nói với The Guardian: “Những người điều hành Facebook và Google là những người tốt, ban đầu họ thực hiện mọi thứ với các chiến lược vô cùng thiện chí, họ đã không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng đang xảy ra như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề là họ gây ra các ảnh hưởng xấu cho con người, nhưng đã không có bất cứ giải pháp nào để khắc phục những hậu quả mà họ đã gây ra”.

Không chỉ có Sean Parker và một vài nhà sáng tạo công nghệ khác lên tiếng chỉ trích các công ty công nghệ cao ở thung lũng Silicon. Hiện nay, Facebook cũng như các đối thủ khác như Twitter và Google đang phải đối mặt những soi xét từ phía các nhà chức trách.

Hoàng Bách (tổng hợp)

Theo Đời sống
Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, Agribank đã trở thành biểu tượng cho sự đồng hành giữa tài chính và cộng đồng. Hơn 4 vạn cán bộ, nhân viên Agribank đang ngày ngày gieo những "hạt mầm xanh" cho ngành giáo dục – những hạt giống sẽ lớn lên.
back to top