Sau dính sai phạm, dự án điện mặt trời của Hà Đô ra sao?

CTCP Hà Đô Bình Thuận, chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 đã xây dựng nhà máy trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa được cho phép.

Trong báo cáo phân tích triển vọng CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG), VNDirect dẫn thông tin từ ban lãnh đạo HDG cho biết, dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 của doanh nghiệp này sẽ phải điều chỉnh giảm giá bán điện, ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính.

Nhà máy điện mặt trời SP Infra 1 của HDG cũng không đủ điều kiện hưởng giá FIT 1. Do đó, VNDirect điều chỉnh giá bán điện dự kiến cho Infra 1 từ 9,35 cent/kWh xuống còn 7,09 cent/kWh từ năm 2025 trở đi.

Ngược lại, sau vài năm đầu vận hành, VNDirect kỳ vọng tỷ lệ công suất tuabin của Nhà máy điện gió 7A sẽ cao hơn trong những năm tiếp theo. Tỷ lệ công suất sử dụng nhà máy dự kiến sẽ tăng lên 77,4%/81,2% trong giai đoạn 2024-2025 từ mức 73,7% vào năm 2023, giúp doanh thu điện gió tăng trưởng lần lượt là 5,4%/6,1% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2024-2025.

Trước đó, tại thông báo kết luận thanh tra về quản lý và đầu tư xây dựng các dự án điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh (ban hành cuối tháng 12/2023), Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các vi phạm trong phát triển điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận.

Nội dung kết luận nêu, CTCP Hà Đô Bình Thuận, chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 (công ty con 100% vốn của Tập đoàn Hà Đô) đã xây dựng nhà máy trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.

Dự án cũng vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình khi thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt, mặt bằng xây dựng chưa được bàn giao. Trong quá trình thi công đến ngày vận hành thương mại, chủ đầu tư đã khắc phục vi phạm, tuy nhiên các vi phạm trên có ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án để nhà máy vận hành thương mại trước ngày 1/7/2019, để được áp dụng cơ chế khuyến khích (giá FIT áp dụng trong 20 năm).

Trước đây, mảng bất động sản mang lại nguồn thu chính nhưng thời gian gần đây, mảng năng lượng dần trở thành trụ cột của Hà Đô. Năm 2023, doanh thu từ thủy điện và điện mặt trời của doanh nghiệp đạt 1.938 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với năm 2022 và chiếm 67% tổng doanh thu. Cách đây 3 năm (năm 2020), doanh thu mảng sản xuất và kinh doanh điện của công ty này mới chỉ đạt gần 800 tỷ đồng.

Hồng Phong 4 là dự án điện mặt trời đầu tiên của HDG với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng, công suất 48 MW. Doanh nghiệp còn sở hữu Nhà máy điện gió 7A tổng mức đầu tư 1.875 tỷ đồng, công suất 50MW; Nhà máy Điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước (SP Infra 1) tổng mức đầu tư 1.055 tỷ đồng, công suất 50MW. Hai dự án này đều ở Ninh Thuận.

Ngoài ra, HDG còn có 5 nhà máy thủy điện ở các tỉnh Nghệ An và Quảng Nam. Tổng công suất phát điện khoảng hơn 460 MW.

Theo VNDirect, HDG duy trì mục tiêu tăng gấp đôi công suất điện trong giai đoạn 2025-2030 (so với công suất hiện tại là 462MW). HDG sẽ tập trung đánh giá việc phát triển 5 dự án điện gió đã có trong Quy hoạch điện VIII như Ea H'leo (20 MW) tại Đắk Lắk, Phước Hữu (50 MW) tại Ninh Thuận, Hướng Phùng (30 MW) ) tại Quảng Trị, Sóc Trăng (40 MW) và trang trại gió khổng lồ An Phong (300 MW). Đơn vị phân tích nhận định, việc thực hiện của các dự án này sẽ phụ thuộc nhiều vào cơ chế giá dành cho các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai.

Theo Đời sống
Dinh dưỡng đầy đủ cho Mẹ và Bé

Dinh dưỡng đầy đủ cho Mẹ và Bé

Vừa qua, tại Thái Bình, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé” cho hơn 300 phụ nữ tỉnh Thái Bình.
back to top