Sau cuộc nhậu, nhập viện cấp cứu
Nam bệnh nhân N.T.K, 30 tuổi, làm nghề thợ xây, trú tại Hà Nội. Sau khi uống rượu buổi trưa về, bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, đau bụng. Nghĩ do rối loạn tiêu hóa, đau bụng thông thường bệnh nhân tự điều trị. Đến tối hôm sau, đau bụng quằn quại không chịu nổi, bệnh nhân vào Bệnh viện 354, và được chẩn đoán viêm tụy cấp hoại tử. Bệnh nhân được chuyển xuống phòng hồi sức cấp cứu, phải lọc máu.
BSCK 2 Vũ Văn Viễn, Chủ nhiệm khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện 354 cho biết, tụy là một tuyến nằm giữa dạ dày, gan và ruột, dài khoảng 10-15cm, có hình dạng như chữ J.
Tụy có chức năng nội tiết là tiết ra các men tiêu hóa vào ruột non để giúp tiêu hóa thức ăn và ngoại tiết là tiết ra hormon insulin và glucagon để điều chỉnh đường huyết (glucose).
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm (sưng) đột ngột của tụy, kéo dài trong vài ngày. Nếu tụy bị tổn thương liên tục có thể dẫn tới tình trạng viêm mãn tính.
Viêm tụy cấp hoại tử là bệnh nặng nhất trong viêm tụy cấp. Bệnh viêm tụy cấp hoại tử diễn tiến rất nhanh, nguy cơ tử vong cao.
Giải thích về việc tại sao viêm tụy cấp hoại tử lại có nguy cơ tử vong cao, BSCK2 Vũ Văn Viễn cho biết, hoại tử tức là tổ chức tụy bị men tụy tự tiêu hủy, gây tổn thương. Sau khi bị tổn thương, không được nuôi dưỡng, lại bị các chất độc tấn công thì các tổ chức tụy bị chảy máu, thối rữa. Điều nguy hiểm là sự thối rữa, bội nhiễm này không chỉ xảy ra ở các mô tụy, mà còn lan cả các mô sau phúc mạc, mô mỡ ở mạc treo đại tràng, mô cạnh rãnh đại tràng và khoảng sau đại tràng, gây nên tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc cho cơ thể.
Ngoài ra, vì các cơ quan bị viêm phải thoát dịch nên gây tình trạng mất nước điện giải kali và canxi dẫn tới rối loạn nhịp tim. Nếu mất natri nhiều thì gây tình trạng giữ nước, phù não, đau đầu.
Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong.
Ảnh minh họa. |
Viêm tụy cấp liên quan nhiều đến ăn uống
BSCK 2 Vũ Văn Viễn cho biết, viêm tụy cấp liên quan nhiều đến ăn uống, thường là sau một bữa ăn thịnh soạn. Nhất là, bữa ăn có nhiều đồ sống, đồ mỡ và uống nhiều rượu bia.
Khi vào cơ thể, các chất từ những đồ ăn, uống này phân hủy thành các hạt dưỡng chấp. Các hạt này ứ đọng quanh tụy và các ống dẫn gây tắc vi mạch trong tụy, dẫn đến viêm tụy. "Có nhiều trường hợp, khi làm xét nghiệm sẽ thấy máu đục như sữa, gây tắc mạch và dẫn tới viêm tụy", BSCK2 Vũ Văn Viễn nói.
Đặc biệt, việc ứ đọng này khiến tụy phải hoạt hóa men tụy ngay trong tụy khiến tụy bị phân hủy, chất độc ngấm vào máu gây nguy hiểm cho cơ thể.
Bệnh nhân N.T.K đã tỉnh táo sau khi phải cấp cứu lọc máu do viêm tụy hoại tử. |
Triệu chứng của viêm tụy cấp, cần chú ý các dấu hiệu sau:
Đầu tiên là đau bụng. Bệnh nhân chủ yếu đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột, quằn quại. Đau thường lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên.
Triệu chứng thứ hai là nôn và buồn nôn, nhưng nôn xong không đỡ hay hết đau (điều này khác viêm dạ dày cấp, nôn xong thì đỡ đau). Bệnh nhân thường nôn ra dịch dạ dày, dịch mật, ở thể nặng có thể nôn ra cả dịch máu loãng. Về sau sẽ không nôn vì liệt ruột.
Triệu chứng thứ ba là trướng bụng và bí trung đại tiện, đặc biệt với các thể viêm tụy cấp hoại tử nặng. Tuy nhiên, một số trường hợp lại đi ngoài lỏng nhiều lần.
Triệu chứng thứ tư là mất dịch, rối loạn điện giải gây nên đau đầu.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện sốt nhẹ, hoặc sốt cao do viêm nhiễm đường mật hoặc do hoại tử tụy rộng. Bệnh nhân cũng có thể khó thở do tràn dịch màng phổi, bụng.
Bệnh nhân khi được thăm khám thì không có co cứng thành bụng, nhu động ruột giảm hoặc mất do liệt ruột, gõ đục vùng thấp (dịch tự do ổ bụng)…
BSCK2 Vũ Văn Viễn cảnh báo, viêm tụy cấp rất dễ tái phát, có bệnh nhân một năm nhập viện nhiều lần. Viêm tụy cấp nhiều lần dễ trở thành viêm tụy mạn, suy tụy. Khi không có men tiêu hóa thức ăn thì người bệnh sẽ ăn cái gì đại tiện ra cái đó dẫn tới suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh nội tiết khác như đái tháo đường, xơ tụy, suy tụy.
Việc chủ quan, cho rằng tụy sẽ tự phục hồi, cố gắng chịu đau sẽ khỏi bệnh theo BS CKII Vũ Văn Viễn là không đúng. Bởi viêm tụy cấp là có tổn thương thực thể tại tụy, các men tại tụy giải phóng ra gây viêm các cơ quan, các cơ quan lại giải phóng ra các chất trung gian hóa học khác lại gây viêm lan tỏa. Đây là vòng xoắn bệnh lý, nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng.
Về điều trị, BSCK2 Vũ Văn Viễn cho biết, phải đảm bảo các yếu tố sinh tồn: Huyết áp, mạch ổn định, bổ sung dịch điện giải đầy đủ đáp ứng được lượng dịch mất đi.
Khống chế được tổn thương về men tụy, hạn chế tiết ra gây tổn thương cơ quan.
Dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn và điều trị các triệu chứng khác: Nếu bệnh nhân đau quá cho thuốc giảm đau. Những ngày đầu bệnh nhân bụng trướng đau nhiều thì nuôi bằng đường tĩnh mạch, đặt xông dạ dày để giảm áp dạ dày, dịch thoát ra tránh gây viêm dạ dày; đặt xông hậu môn giảm áp hơi trong ruột.
Sau khi điều trị ổn định mà để lại ổ áp xe tụy, nang giả tụy gây đau nếu ảnh hưởng nhiều đến chức năng ngoại tiết, nội tiết của tụy thì tiến hành cắt bỏ nang giả tụy, dẫn lưu áp xe tụy.
Để tránh viêm tụy cấp, cần giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh ăn đồ sống, đồ nhiều mỡ, uống nhiều rượu bia. Sau bữa ăn thịnh soạn có kèm rượu bia, nếu thấy các triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn, bí trung đại tiện... cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, không tự ý điều trị ở nhà.