Sân bay địa phương không là "mồi nhử" cho bất động sản

(khoahocdoisong.vn) - Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản (BĐS) Việt Nam đã chỉ ra, đất chỉ có giá trị khi khu vực đó có quy hoạch chi tiết, có sự phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, các sân bay hiện tại từ Bắc vào Nam hầu hết đều không có các khu dân cư liền kề (ngoại trừ sân bay Tân Sơn Nhất), nên giá trị đất sẽ khó tăng giá.

Sốt đất mang tên “dự án sân bay”

Những ngày qua, ô tô từ khắp nơi đổ về xã Thiện Nghiệp, nơi có dự án sân bay Phan Thiết sắp triển khai thi công. Quán cà phê cách trụ sở xã vài chục mét, xe hơi đậu dày đặc. Những người ăn mặc sang trọng vào quán ngồi "tụm ba tụm bảy" vừa trao đổi vừa gọi điện thoại giao dịch mua bán đất rôm rả. Cách đó không xa, trước quán nước kề Công an xã Thiện Nghiệp, hàng loạt ô tô mang biển số TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng và các tỉnh phía Bắc liên tục ghé đến, xếp thành hai hàng dài ven đường. Một số người xuống xe ghé vào quán, một số đi bộ đến các khu đất gần đó đứng quan sát, cầm theo sổ đỏ và bản đồ vị trí đất, giới thiệu qua lại.

Dọc tỉnh lộ 715 từ trung tâm xã về phía ngã ba đường sỏi rẽ vào dự án sân bay, các quán cà phê cũng đông đúc không kém. Cứ năm đến mười phút, vài chiếc xe rời khỏi quán chạy chầm chậm, thỉnh thoảng dừng lại xem các khu đất ven đường, chiếc này đi, chiếc khác lại đến.

Không chỉ trục đường 715 ở trung tâm xã, mà con đường sỏi thôn Thiện Sơn nối ra đường 706B giáp phường Hàm Tiến cũng có vài xe máy và ô tô chạy đi xem đất. Trên tuyến đường này, nhiều bảng cảnh báo do chính quyền địa phương dựng lên để cảnh báo người dân đã bị phá hoại bằng cách chọc thủng hoặc bị kéo đổ nằm bẹp xuống đất.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết yêu cầu UBND xã Thiện Nghiệp tăng cường công tác quản lý về an ninh trật tự, an toàn giao thông; đặc biệt là phải quản lý chặt, ngăn chặn ngay tình trạng lấn chiếm đất đai của Nhà nước khu vực gần dự án sân bay Phan Thiết nhằm sang nhượng, mua bán bất hợp pháp. Công an TP Phan Thiết tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp, nhất là tình trạng lừa đảo trong mua bán đất đai.

Ông Đỗ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp cho biết, hiện nay, UBND xã đã có thông báo công khai tinh thần chỉ đạo nêu trên của Chủ tịch UBND TP Phan Thiết và đề nghị người dân địa phương hết sức cảnh giác, không mua bán, chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp, tránh bị lừa đảo. Cũng theo ông Hòa, hiện nay trên địa bàn không có bất cứ dự án phân lô bán nền nào được cấp phép. UBND xã cũng đã yêu cầu Công an xã, Chỉ huy trưởng quân sự xã thường xuyên kiểm tra, tuần tra khu vực các đường vào dự án sân bay Phan Thiết và trục đường Võ Nguyên Giáp để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Trước đó, người dân tại khu vực ấp 5, xã An Khương và ấp Sóc Trào A, xã Tân Lợi, (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) không khỏi choáng ngợp khi chứng kiến cảnh hàng ngàn người từ khắp nơi ùn ùn kéo về tìm mua đất. Ai cũng hỏi về dự án sân bay Téc Ních Hớn Quản mở rộng và muốn “mua được đất càng gần sân bay càng tốt”. Dọc các tuyến đường liên xã, hàng chục biển báo với các dòng chữ “mua bán đất sân bay Téc Ních”, “điểm tư vấn mua bán đất nền”, “bán đất sân bay”… được dựng lên chào mời.

Bảng cảnh báo của chính quyền địa phương bị phá hoại.

Bảng cảnh báo của chính quyền địa phương bị phá hoại.

Sân bay không là yếu tố chính để thu hút đầu tư

Nói về cơn sốt giá đất khu vực sân bay Téc Ních, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, sân bay Téc Ních không thể là "cây đũa thần" để làm cho nền kinh tế của tỉnh và thị trường BĐS của tỉnh này khởi sắc.

Bởi sân bay Téc Ních hay ở các khu vực khác dự kiến quy hoạch sân bay chỉ mới dừng lại ở mức chủ trương. Và việc thị trường BĐS tại đó có tăng giá hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như diễn biến kinh tế vĩ mô, tín dụng… Tuy nhiên, tất cả những yếu tố này có hoặc không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường BĐS.

“Với giả định là sân bay sẽ được hoàn thành, theo một góc nhìn thực tế thì việc này cần ít nhất 5 - 7 năm để hoàn thành kế hoạch và được phê duyệt và xây dựng sẽ mất thêm 3 - 5 năm nữa. Như vậy là từ lúc khảo sát đến lúc khánh thành thì cũng gần 10 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, để vận hành trơn tru và thật sự thu hút đầu tư đáng kể thì cần 5 - 10 năm nữa”, TS Sử Ngọc Khương nói.

Những yếu tố quan trọng hơn trong việc gia tăng giá trị BĐS và tạo sức hút trên thị trường phải bao gồm cung cấp đầy đủ các tiện ích xã hội như trường học, bệnh viện, giao thông thuận lợi và cơ hội nghề nghiệp...

Một chuyên gia BĐS cho biết, các đợt sốt đất dù ở địa phương nào cũng đều do giới đầu cơ thổi lên. Họ là những người có tiềm lực tài chính mạnh, thường được gọi là những “con sói”. Ban đầu họ sẽ đổ quân, đổ tiền săn lùng mua một số lô đất với giá thấp lúc thị trường chưa sôi động. Sau đó nhóm này tìm cách mua tiếp các lô đất gần đó hoặc mua đi bán lại chính các lô đã mua trước đây với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường, cùng lúc tung thông tin khu vực đã bắt đầu sốt để lôi kéo các nhà đầu tư khác.

“Thậm chí họ tổ chức cả hội thảo, hội nghị; tung thông tin ra truyền thông rằng sắp có sân bay. Mũi Né nơi sát Thiện Nghiệp là khu du lịch biển quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt, đất ở đây chỉ lên chứ không xuống... Lợi dụng tâm lý đầu tư theo hiệu ứng đám đông, nhiều nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào mua đất chờ lên giá kiếm lời, góp phần tạo ra cơn sốt ảo, đẩy giá lên cao rồi trục lợi”, ông này nói.

Một chiêu khác của các cò đất là tự tạo cơn sốt. Họ huy động lực lượng cùng đến xem một mảnh đất với khách hàng thật. Mỗi người trả một giá, người sau luôn trả cao hơn người trước, cứ thế cho đến khi “cò cái” giả vờ chịu giá cho người cao nhất, tiền cọc được đặt ngay tại chỗ. Nhiều người thấy dễ ăn, bỏ tiền hoặc vay mượn khắp nơi mua rồi ghim đất để đó chờ được giá. Đến thời điểm chín mùi, nhóm này bất ngờ rút đi, để lại “quả bom” cho những nhà đầu tư đánh lẻ. Cơn sốt hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư sau mua đất giá cao của nhà đầu tư trước đành phải bán ra ồ ạt để cắt lỗ. “Những nhà đầu tư sau cùng này thường bị gọi là những “con cừu”. Chỉ có các đạo diễn, “con sói” sau mỗi đợt bỏ tiền xuống thổi giá đất rồi rút đi với những khoản lãi kếch xù. Còn những “con cừu” thì cay đắng giải quyết hậu quả.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top