Sacombank "neo" lãi dự thu cao để né nợ xấu?

(khoahocdoisong.vn) - Kết thúc năm tài chính 2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã CK: STB) ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đi ngang so với năm 2019, đạt 3.032 tỷ đồng, mặc dù tăng trưởng tín dụng tốt và thu nhập lãi thuần tăng cao.

Trong năm 2020 vừa qua, quy mô hoạt động của Sacombank tăng trưởng khá mạnh, tổng tài sản của riêng ngân hàng (không bao gồm công ty con) đạt 486.641 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2019.

Tính đến 31/12/2020, dư nợ cho vay khách hàng của Sacombank đạt 331.551 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Nhờ đó, thu nhập lãi của ngân hàng cũng tăng đáng kể tới 10%, đạt 32.842 tỷ đồng.

Sacombank đã thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ cho khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Do đó, nợ xấu được “nén” lại, không những không tăng lên mà giảm, còn 5.065 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ không có khả năng thu hồi) giảm 10%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ chiếm 1,53% tổng dư nợ cho vay, thấp hơn mức 1,8% của năm 2019.

Tuy nhiên, nguy nợ nợ xấu có thể tăng trong tương lai. Đó là lý do Sacombank phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tới 38%, lên 4.741 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một khoản lớn lãi phải thu từ cho vay khách hàng được Sacombank hạch toán đưa vào mục Tài sản có khác trong bảng cân đối tài sản. Trong vòng 5 năm trở lại đây, các khoản lãi, phí phải thu của ngân hàng này luôn ở mức cao trên dưới 20.000 tỷ đồng. Chiếm chủ yếu (85 - 91%) khoản lãi, phí dự thu của Sacombank là lãi từ cho vay khách hàng. Còn lại số ít của khoản lãi dự thu đến từ lãi đầu tư và lãi tiền gửi chưa thu được.

Khoản lãi dự thu của Sacombank trong năm 2020 được ghi nhận trên sổ sách là 17.449 tỷ đồng. Trong đó, gần 14.000 tỷ đồng là lãi dự thu từ cho vay khách hàng mà chưa thu hồi được.

Về nguyên tắc, ngân hàng chỉ tính lãi dự thu cho nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn). Ngân hàng phải ngưng dự thu lãi nếu nợ đó quá 10 ngày. Chính vì thế, con số lãi dự thu “khủng” hàng chục nghìn tỷ của Sacombank trong suốt nhiều năm qua nếu chỉ là nợ nhóm 1 quả là khó tin. Phần phải thu quá lớn này chính là cảnh báo về chất lượng tài sản của ngân hàng, cũng như đặt ra nghi vấn lớn cho các nhà đầu tư.

Một chuyên gia ngân hàng giấu tên cho biết: “Thay vì chuyển nhóm nợ, ngân hàng vẫn hạch toán những khoản nợ khó đòi thành lãi dự thu để giấu nợ xấu. Đồng thời, ngân hàng sẽ hạn chế được tăng trích lập dự phòng rủi ro, giúp tăng lợi nhuận”.

Như vậy, nợ xấu thực tế vẫn lẩn khuất trong ngân hàng và lợi nhuận cuối kỳ không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Theo Đời sống
back to top