Rủi ro khi chơi tàu lượn

(khoahocdoisong.vn) - Trường hợp 1 trẻ tử vong, 2 bé bị thương khi chơi tàu lượng ở khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ) lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của các trò chơi mạo hiểm.

“1 con ốc rơi ra cũng có thể gây tai nạn”

Tối 14/1, đại diện UBND huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) thông tin, tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, thị trấn Thanh Thủy vừa xảy ra sự cố khiến 3 trẻ nhỏ thương vong. Theo thông tin ban đầu, vào chiều 14/1, khi nhóm khách đang chơi tàu lượn tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh thì thiết bị bất ngờ xảy ra sự cố. Vụ tai nạn khiến một trẻ tử vong, 2 bé khác bị thương đã được đưa đi bệnh viện điều trị. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng công an huyện Thanh Thủy nhanh chóng có mặt khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn trên.

Trước đó vào tháng 4/2014, trò chơi thảm bay của khu du lịch Đảo Ngọc Xanh cũng bất ngờ rơi xuống đất trong lúc 12 học sinh cấp 2 đang chơi. Vụ việc khiến 6 học sinh bị thương. Khu du lịch này do Công ty cổ phần Ao Vua xây dựng và quản lý. Khu du lịch có nhiều trò chơi mạo hiểm như: tháp xoay khí nén, tàu điện siêu tốc, thảm bay hai chiều, vũ trụ bay…

Vụ tai nạn do chơi tàu lượn cao tốc xảy ra ở khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ)

Vụ tai nạn do chơi tàu lượn cao tốc xảy ra ở khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ)

Nói về độ an toàn của trò chơi tàu lượn cao tốc, TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị Điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, về quy trình thì tàu lượng phải đảm bảo các tiêu chuẩn kiểm định an toàn chặt chẽ, vấn đề là đơn vị vận hành có thực hiện đúng hay không, cơ quan nào kiểm soát. Những sự cố bất ngờ xảy ra giống như tai nạn, không ai dám đảm bảo là nó không bao giờ xảy ra. Tàu lượn cao tốc di chuyển với tốc độ rất nhanh như thế, chỉ cần một con ốc rơi ra là có thể gây tai nạn, hoặc tốc độ đang 100km/h mà bỗng dưng giảm xuống 90km/h cũng có thể gây nên những trục trặc.

“Tôi không bao giờ cho các con, cháu mình tham gia những trò mạo hiểm này bởi không có gì chắc chắn về việc mình sẽ không gặp rủi ro. Với những đơn vị bảo trì bảo dưỡng tốt, rủi ro ít xảy ra hơn. Để biết chắc chắn nguyên nhân tai nạn thì phải kiểm tra từng trường hợp cụ thể, nhưng theo tôi phải có các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn về tính an toàn của các trò chơi mạo hiểm. Không để các đơn vị yếu kém năng lực kinh doanh loại hình này”, TS Trần Văn Thịnh nhận định.

Giữ an toàn cho trẻ khi chơi

Ông Trần Tuấn Huy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo giá trị sống và kỹ năng sống YMCA cho rằng, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia các trò chơi mạo hiểm, cần nói với trẻ về các yêu cầu của trò chơi như độ tuổi tham gia, phải thắt dây an toàn, ngồi yên, không thò tay ra ngoài khi tàu đang chạy... Đây là những quy tắc giúp giữ an toàn tối đa cho trẻ. Trước khi cho trẻ chơi những trò mạo hiểm, cha mẹ nên quan sát tình trạng thiết bị và tìm hiểu kỹ quy định của trò chơi để đảm bảo con bạn được an toàn. Những trò chơi tốc độ cao, quay tròn quá nhiều hay mạo hiểm, không thích hợp cho người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao, phình mạch, người đang bị chóng mặt, đau lưng, cổ. Nếu con bạn bị một trong những chứng bệnh này, tốt nhất nên tránh xa những trò chơi mang tính thử thách cao.

Nếu trẻ đủ điều kiện tham gia các trò chơi mạo hiểm hay thử thách nỗi sợ hãi, hãy đưa ra một số lời khuyên giúp chúng bình tĩnh hơn khi tham gia. Chẳng hạn, khi đi tàu lượn siêu tốc, con nên ngồi chính giữa ghế, không ngồi lệch hay dựa sang một bên, thắt đai an toàn. Giữ cơ thể thăng bằng bằng cách nghiêng người sang phải, giữ đầu thẳng ở chính giữa khi tàu rẽ trái và ngược lại. Nếu đủ bình tĩnh, bé có thể mở mắt và nhìn vào đường ray phía trước như thể đang lái nó, cảm giác điều khiển sẽ giúp trẻ giữ thăng bằng và tránh buồn nôn.

“Nếu thấy điều gì đó không ổn như thanh chắn bị gãy, vết nứt trên tàu lượn, khói từ những khu vực bất thường, con cảm thấy không thoải mái với những thiết bị an toàn hoặc bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm, hãy thông báo với nhân viên trực ngay lập tức. Hãy dặn dò trẻ luôn quan sát cẩn thận, giữ cho mình khoảng cách an toàn với những người chơi khác để tránh tai nạn. Nếu con bạn đang ở khu vực trượt ván, patin hay biểu diễn xe đạp BMX, hãy dặn trẻ tránh xa đường trượt và đảm bảo bản thân luôn ở vùng đã được giăng dây an toàn”, ông Trần Tuấn Huy cho biết.

Theo Đời sống
back to top