Mong tiền sinh tiền
Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã bàn giao cho Công an TP Hà Nội xác minh thông tin hàng trăm nhà đầu tư có đơn tố cáo bị lừa cả nghìn tỷ đồng khi “đổ tiền” vào dự án tiền ảo Robomine (RBM).
Theo đơn tố cáo liên danh của các nhà đầu tư, dự án tiền ảo Robomine do Đoàn Mạnh Tuấn (sinh năm 1984, trú tại Hà Nội) lập ra, và dự án này hoạt động như một ngân hàng số với những ưu điểm chưa từng có trên thế giới gồm: Không ủy thác, không gói đầu tư, tài sản trong tay bạn, rút gốc bất cứ lúc nào không phạt, không mất phí...
Liên danh nhà đầu tư này cũng tố cáo êkip của Tuấn gồm 10 thành viên, trong đó có 3 đồng chủ mưu là Phạm Trọng (Thomas Phạm), Kiều Đức Thật và một người tên Vinh tại Hải Phòng. Ngoài ra, còn có 1 kỹ thuật, 3 người môi giới và 2 người tiếp tay cho 4 chủ mưu trên.
Để giới thiệu về dự án này, Tuấn và êkip đã lập nhiều trang web, gồm https://robomine.io/ mô tả về dự án Robomine blockchain, còn được gọi là ngân hàng số; Sổ cái: https://explorer.robomine.io/ mô tả về các ví điện tử và lịch sử giao dịch blockchain và Ví điện tử cá nhân: https://wallet.robomine.io/en chỉ sử dụng được trên trình duyệt di động (nền tảng Android hoặc IOS).
Thời điểm bắt đầu dự án Robomine, Tuấn và êkip thường tổ chức chia sẻ dự án Robomine. Đồng thời, thành lập cả một Trung tâm đào tạo Blockchain Academy để tổ chức các buổi chia sẻ, giới thiệu dự án Robomine với mục đích lôi kéo nhiều người tham gia.
Về cách thức đầu tư, các nhà đầu tư nạp tiền, mua các loại coin như Bitcoin, Etherium… sau đó chuyển đổi sang đồng RBM của dự án Robomine. Sau đó, nhà đầu tư chỉ việc kích hoạt việc đào coin RBM.
Đoàn Mạnh Tuấn (thứ 4, từ trái sang) trong 1 lần giới thiệu về dự án Robomine. |
Theo giới thiệu RBM là coin đào có thuật toán SHA3 trên nền tảng di động đầu tiên, có blockchain riêng, đào coin RBM trên nền tảng POS (bằng chứng cổ phần) và có sổ cái không thể sửa chữa, làm giả. Dự án này giới thiệu việc dừng đào và rút gốc, lãi bất kỳ lúc nào bằng đúng số coin đã gửi (nhà đầu tư gửi ETH thì nhận lại ETH, gửi TRX thì nhận lại TRX, gửi BTC thì nhận lại BTC) nên nhà đầu tư càng tin tưởng vào dự án và đầu tư nhiều hơn sau khi thử kích hoạt gói đào RBM và rút coin về nhiều lần được.
Đồng thời, Robomine còn có hệ thống đa cấp chia sẻ cho những người khác để hưởng hoa hồng hệ thống, F1 hưởng 100%; F2 hưởng 50%; F3~F20 hưởng 5% của lợi nhuận coin đào.
Tiền không hẹn ngày trở lại
Theo đơn tố cáo của người dân, đối tượng Tuấn đã kêu gọi thành công hàng ngàn nhà đầu tư từ nhiều tỉnh thành trên cả nước với tổng số tiền đầu tư ước tính sơ bộ khoảng 2.000 – 3.000 tỷ đồng.
Trong quá trình đầu tư rất nhiều lần thông báo cập nhật nâng cấp phần mềm có lúc thông báo cho nhà đầu tư thời gian cụ thể quá trình nâng cấp. Tuy nhiên, lần nâng cấp ngày 25/1/2021 liên tục báo chậm và cho đến nay vẫn chưa cập nhật xong!?
Nhà đầu tư sốt ruột hỏi Tuấn về quá trình cập nhật, nhưng lúc này Tuấn chỉ trả lời quá trình vẫn đang tiếp tục cập nhật, và khuyên cộng đồng nhà đầu tư hãy chờ đợi. Hiện tại các nhà đầu tư không rút được coin trong ví, nhiều ví lập từ tháng 12 đến nay không thể đăng nhập được. Các lịch sử giao dịch nạp coin Tron (TRX) vào ví RBM cũng không thể kiểm tra, không đăng nhập được. Nhiều ví kiểm tra lịch sử đã thấy coin gốc nạp vào đã bị di chuyển tới các địa chỉ không xác định. Đến nay Tuấn vẫn bảo Robomine đang cập nhật.
Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, nhiều nhà đầu tư đã liên hệ với ông Tuấn, đồng thời có ý kiến lên các cộng đồng trao đổi về Robomine. Tuy nhiên, ngay lập tức đã bị ông ta chặn cuộc gọi, “kick” ra khỏi các nhóm đầu tư RBM như Cộng đồng Blockchain Academy 2021, Truyền cảm hứng cảm ơn Robomine, Nhóm tài liệu chuẩn Robomine (Zalo), nhóm Robomine Official Group, Robomine Blockchain, Cộng đồng Blockchain Academy 2021 (Telegram)…
Trong thời gian vừa qua, giá các loại đồng coin trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh, Bitcoin đạt đỉnh 62.000USD/coin, Ethereum lên mức 4.200USD/ETH, đã khiến các nhà đầu tư vào Robomine mất hàng chục ngàn USD vì không thể rút tài khoản ra.
Trước đó, như KH&ĐS đã đưa tin, Đoàn Mạnh Tuấn từng mạo danh là người của Tập đoàn Đầu tư Tài chính, Giáo dục, Bất động sản, Kết nối Đầu tư Quốc tế (IDJ Group). Tuy nhiên, trao đổi với ông Trần Trọng Hiếu, Chủ tịch Tập đoàn, ông Hiếu cho biết không thân quen và chưa từng gặp mặt Tuấn. Việc Tuấn lấy danh nghĩa IDJ Group là để tăng thêm uy tín, thu hút thêm nhà đầu tư. Ông Hiếu đã liên hệ với Tuấn và yêu cầu xin lỗi, đính chính thông tin, tuy nhiên chưa thấy phản hồi từ Tuấn.
Theo xác minh của KH&ĐS, có không ít cá nhân mang mác nhà khoa học đã tham dự vào các sự kiện giới thiệu về Robomine có sự xuất hiện của "Tuấn Chủ tịch", cũng như nhiều loại sàn "tiền ảo" khác. Nhân vật "Tuấn Chủ tịch" này thậm chí còn được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc một trung tâm nghiên cứu mà không có nổi một dòng hồ sơ lý lịch trích ngang giới thiệu.