Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, các hội đồng đang bị đặt vào tình trạng “tế nhị”. Bởi, sau khi rà soát xong, nếu kết quả vẫn như cũ, mọi chuyện đều đúng quy trình thì chắc rằng dư luận sẽ không bằng lòng. Còn nếu hội đồng nói có sai sót, phải loại ra một số ứng viên thì chính hội đồng lại phủ nhận quyết định trước đó của mình.
“Nhưng thực ra, nếu cần thiết thì các hội đồng cũng phải xem xét chịu trách nhiệm việc này”.
Vấn đề quan trọng hơn được đặt ra là: rà soát cái gì và rà soát như thế nào?
PGS. TS. Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhìn nhận “cần kiểm định chất lượng chứ không phải đếm số lượng và nói là đủ”.
Đồng thuận với ý kiến này, PGS. Phan Quang Thế, nguyên hiệu trưởng, giảng viên cao cấp chương trình tiên tiến ngành Cơ khí, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, cho rằng khâu chấm điểm công trình là một kẽ hở lớn, “có thể phết phẩy vào để nâng điểm lên cỡ khoảng một nửa nữa cũng không vấn đề gì. Chạy điểm, mua điểm cũng nằm ở chỗ đấy”.
Theo TS Lê Trường Tùng, việc đánh giá công trình ở mức độ nào cũng có bảng quy đổi, nhưng không dễ để đánh giá công trình này 1 điểm, công trình kia chỉ 0,7 điểm. Còn về các tiêu chí như thâm niên, giảng dạy, nghiên cứu, viết sách, thì “chắc là đúng cả, vì hiện nay tiêu chí nói chung là thấp. Riêng vòng bỏ phiếu kín thì không thể kiểm định. Các cá nhân trong hội đồng có quyền tín nhiệm hoặc không tín nhiệm ai đó và họ không có trách nhiệm phải giải trình tại sao. Đó là cái không kiểm định được. Còn tiêu chí ngoại ngữ, khó có thể rà soát trong vài ngày, khi mà “hạn chót” là các ngày trong dịp Tết Nguyên đán”.
PGS. Phan Quang Thế cho rằng, để làm được việc kiểm định chất lượng bài báo, công trình, cần những người ngồi hội đồng thực sự công tâm và xuất sắc trong mỗi ngành.
TS. Lê Trường Tùng cho biết, các tiêu chí mới trong Dự thảo quy định tiêu chuẩn xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS công bố năm 2017 và dự kiến thực hiện trong năm 2019 có nhiều điểm rõ ràng hơn, tuy nhiên chưa được phê duyệt và chưa đến thời điểm áp dụng nên vẫn phải dựa trên những tiêu chuẩn cũ. Và như vậy, nếu rà soát, sẽ không nói đến chuyện tiêu chí thấp hay cao nữa, mà nên rà soát theo hướng các hội đồng cơ sở, ngành và Nhà nước đã xử lý dữ liệu của ứng viên như thế nào, có chuyện châm chước hay không.
Chẳng hạn, theo Quyết định 20, để được công nhận chức danh GS – PGS, những người đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức không phải là cơ sở giáo dục đại học, có tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên thì “phải có công trình khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao; được tặng giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài”.
Theo thống kê của TS. Tùng, trong danh sách 85 GS và hơn 1.200 PGS được công nhận đợt vừa rồi, có tới 10% ứng viên công tác ngoài cơ sở giáo dục đại học. Tất cả những ứng viên này liệu đã đảm bảo tiêu chí “có công trình xuất sắc hay giải thưởng lớn trong và ngoài nước hay không – thậm chí là có hay không có giải thưởng – đều có thể đếm được”.
TS Tùng còn nêu giả định, nếu mở rộng rà soát cho vài năm trước (2013 – 2016), thì sẽ có thêm những ứng viên “không đạt chuẩn mà vẫn được công nhận”. Còn nếu áp dụng nghiêm túc điều 71 Luật Giáo dục yêu cầu giáo sư/phó giáo sư phải “đang giảng dạy đại học” – thì có thể miễn nhiệm chức danh này với nhiều ứng viên hơn.
PGS. Phạm Đức Chính cho rằng “Chính phủ có thể giao cho các hội đồng ngành của Nafosted thẩm định độc lập, vì tinh thần hội nhập, năng lực thẩm định chuyên môn và sự công tâm đã được thử thách trong những năm qua”.
Ông cũng đề xuất Chính phủ yêu cầu các HĐCDGS ngành rà soát và loại ra 10-40% số ứng viên có chất lượng khoa học thấp nhất, cùng với giải trình cụ thể.
“Nếu khoa học nước nhà làm được như lĩnh vực thể thao đang làm – tức là chịu sức ép thành tích theo chuẩn mực quốc tế – thì chúng ta mới có thể có những bước tiến thực sự, giúp ích cho sự phát triển của đất nước”.
GS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Lịch sử – Khảo cổ – Dân tộc học cho rằng cần lưy ý đến con số tăng trưởng: Nếu tính số bài báo quốc tế nằm trong danh mục ISI/Scopus thì năm 2017 có đến 5.310 bài so với 2.510 bài của năm 2016. Như vậy, trong khi số ứng viên tăng 1.6 lần thì số bài quốc tế tăng gấp hơn 2 lần.
Còn theo một thống kê, trong năm 2016 tỷ lệ ứng viên nộp hồ sơ/ứng viên đạt chuẩn là 89,69% thì trong đợt xét của năm 2017, tỷ lệ này là 79,76%.
Theo chia sẻ của GS.TSKH. Đỗ Trần Cát – nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, trong suốt 11 năm giữ vị trí Tổng thư ký Hội đồng, chưa từng xảy ra trường hợp Thủ tướng chỉ đạo rà soát lại công tác xét duyệt chức danh GS, PGS như năm nay.
Nhân chỉ đạo “rà soát giáo sư” của Thủ tướng, nhiều nhà khoa học cho rằng không chỉ rà soát các ứng viên của năm 2017. Nguyện vọng của giới giáo dục đại học và khoa học là cần xây dựng và phát triển môi trường học thuật lành mạnh, làm nền móng vững chắc thúc đẩy phát triển.
Lan Tường (tổng hợp)