“Nếu những cán bộ quản lý nhà nước lại tập trung cho chuyên môn nghiên cứu thì thời gian đâu để làm công tác quản lý? Còn nếu say sưa với nghiên cứu thì sẽ chỉ trở thành một nhà quản lý tồi. Ví dụ có vị bộ trưởng thời còn làm viện trưởng một viện nghiên cứu có thể có nhiều công trình khoa học thật, nhưng khi đã đảm nhiệm vị trí bộ trưởng thì thời gian đâu mà nghiên cứu khoa học? Vậy chức danh GS có ý nghĩa gì với người làm quản lý? Chỉ ở Việt Nam mới có tình trạng này, chứ ở các nước thì quan chức làm GS để làm gì? GS thì phải có đóng góp, cống hiến cho trường đại học cụ thể. Đã đến lúc chấm dứt kiểu giáo sư không đóng góp gì cho nhà trường, cho khoa học, mà chỉ là cái danh để đem lại lợi lộc cho người được công nhận.” – TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GDĐT. tuoitre.vn ngày 3/3
Nếu chấm dứt được việc hưởng lợi từ cái danh hão thì có lẽ sẽ tuyệt chủng giáo sư không đóng góp!
“Nợ công cũng là vấn đề rất lớn khi nhiều “quả đấm thép” đem lại những khoản đầu tư thua lỗ và hết sức khó khăn. Chính vì vậy, nợ công cũng là yếu tố đặt ra yêu cầu cấp bách về tái cơ cấu ngân sách và giảm chi thường xuyên, quay về sống với thực tế ngân sách. Chúng ta không thể chi tiêu rộng rãi, hoang phí nữa.” – TS Lê Đăng Doanh. plo.vn ngày 5/2
Vẫn chưa thấy có ai chịu trách nhiệm về sự thất bại của “quả đấm thép”!
Nguyên Thuỷ