Theo ThS.BS Doãn Uyên Vy, Phó trưởng Đơn vị Chống độc, phụ trách Phòng khám Chống độc (Bệnh viện Chợ Rẫy), hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều có Trung tâm Chống độc (Poison Control Center, gọi tắt là PCC). PCC nhằm mục đích giúp giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ biến chứng do những tình huống bị ngộ độc, và bệnh nhiễm độc gây ra.
Khi chúng ta tiếp xúc với hóa chất, dù là liều lượng nhỏ nhưng trong một thời gian dài, các hóa chất đó sẽ tích tụ dần trong cơ thể và gây ra bệnh nhiễm độc.
“Những ngộ độc này có thể do thuốc hay tiếp xúc hóa chất trong công việc hay cả trong sinh hoạt hằng ngày như chất tẩy rửa hoặc các loại mỹ phẩm hay chất tạo mùi thơm… Vì vậy PCC giúp bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị kịp thời,” ThS.BS Doãn Uyên Vy cho biết.
Bệnh nhiễm độc sẽ biểu hiện dưới dạng bệnh nội khoa mạn tính, tổn thương tại một cơ quan hay nhiều cơ quan cùng lúc, có thể tái phát nhiều lần mà không tìm ra nguyên nhân…
PCC dành cho đối tượng hay tiếp xúc hóa chất kỹ nghệ, làm việc sản xuất trong dây chuyền tự động. Các đối tượng này cần khám để tầm soát, phát hiện sớm các bệnh nhiễm độc và để biết cách phòng tránh bị nhiễm độc trong công việc.
Ngoài ra, khi người mắc những bệnh có triệu chứng kéo dài không tìm thấy nguyên nhân; có tiền sử sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc Đông y, gia truyền trong thời gian kéo dài, và xét nghiệm cho thấy có vấn đề rối loạn ảnh hưởng đến sức khỏe là đối tượng của các bác sĩ của phòng khám chống độc.
Các bác sĩ PCC có thể khám tầm soát tìm độc chất cho cá nhân (khám ITAS) khi nghi ngờ cơ thể đang có bệnh nhiễm độc.
Ngoài ra, qua khám ITAS, các chuyên gia chống độc cũng hỗ trợ tầm soát các chất tiềm tàng có khả năng gây ung thư để tư vấn cách tránh tiếp xúc.