Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Bộ Giao thông Vận tải lắng nghe các nhà khoa học 

(khoahocdoisong.vn) - Dù được xây dựng khá công phu song báo cáo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn bộc lộ những thiếu sót cần được bổ sung, hoàn thiện.
Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Cần bổ sung, hoàn thiện những thiếu sót 

Ngày 26/2, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trì hội thảo gồm TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS Nguyễn Văn Thể, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT);  PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

TSKH Phan Xuân Dũng tại hội thảo.

TSKH Phan Xuân Dũng tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng cho hay, kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Ngày 10/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt lập quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giao Bộ GTVT chủ trì lập quy hoạch, Dự thảo báo cáo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Liên danh tư vấn TEDI – CCTDI thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến nay và đã được Bộ GTVT tổ chức nhận xét, góp ý. Ngày 10/2/2021, Liên hiệp Hội Việt Nam nhận được báo cáo chính thức về bản quy hoạch này để tổ chức lấy ý kiến nhận xét, góp ý của các chuyên gia. Trên cơ sở đó sẽ tổng hợp và gửi văn bản đóng góp về Bộ GTVT về quy hoạch này.

TS Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều hội thảo ở các địa phương, khu vực, để lấy ý kiến phát triển hạ tầng giao thông ở từng khu vực nói riêng. Dự kiến, tháng 4 Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ để thẩm định và phê duyệt.

Liên hiệp Hội Việt Nam là cơ quan tập trung các chuyên gia, người được đào tạo bài bản về lý thuyết và có kinh nghiệm thực tiễn từ các bộ ngành, cơ qua, có tinh thần phản biện cao… sẽ là nơi đưa ra nhưng ý kiến đóng góp có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện bản quy hoạch. Bộ GTVT sẵn sàng lắng nghe để có bộ quy hoạch tốt nhất.

Nội dung bản quy hoạch gồm có 9 phần gồm tổng quan về quy hoạch, hiện trạng giao thông đường bộ Việt Nam, hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế xã hội, dự báo nhu cầu vận tải, quy hoạch phát triển giao thông đường bộ đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, dự kiến quỹ đất, nhu cầu vốn, kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện, kế hoạch, kiến nghị…

TS Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, bản quy hoạch được làm rất công phu, tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần trao đổi. Vấn đề quy hoạch đường bộ nằm trong quy hoạch tổng thể ngành GTVT ở đây chưa rõ. GTVT gồm 5 ngành chính là vận tải đường bộ, vận tải đường sắt, vận tải đường thuỷ nội địa, ngành hàng hải và ngành hàng không. Tuỳ theo điều kiện địa lý, đặc điểm kinh tế, kỹ thuật mà mỗi ngành có ưu việt và nhược điểm riêng. Do vậy, lẽ ra theo ưu việt tự nhiên của từng ngành thì trên trục dọc Bắc – Nam vận tải hàng hoá nên được xếp ưu tiên theo thứ tự vận tải ven biển, vận tải sắt và cũng là vận tải đường bộ (trên từng cự ly dưới 200km). Cũng trên trục này, vận tải hành khách phải đặt nhiệm vụ cho vận tải đường sắt, vận tải hàng không rồi mới đến đường bộ.

TS Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đóng góp ý kiến.

TS Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đóng góp ý kiến.

Thực tế hiện nay vận tải đang diễn ra tự phát theo thuận lợi của các chủ hàng mà thiếu sự sắp xếp, bố trí một cách hợp lý của ngành GTVT. Để phân công vận tải trên những hàng lang nếu có 2 phương thức vận tải người ta thường dùng phương thức đại lượng tương đương để lựa chọn. Nếu có từ ba phương thức thì người ta dùng ma trận để lựa chọn với mục tiêu tổng chi phí vận tải thâp nhất.

Ngoài ra, trong báo cáo quy hoạch này nếu chỉ bố trí sắp xếp cho mạng lưới cao tốc và mạng lưới quốc lộ mà không đề cập gì đến mạng lưới đường địa phương (tỉnh lộ, huyện lộ, đường giao thông nông thôn) là đã bỏ sót một khoảng không gian rộng, nơi bắt đầu hoặc nơi kết thúc của mọi quá trình vận tải.

Với xu thế của sự phát triển công nghệ thì việc ô tô chạy bằng năng lượng điện, ô tô tự lái và xu thế phát triển thay thế các loại xe dùng nhiên liệu hoá thạch và xe do người điều khiển hiện nay. Khi phát triển công nghệ này thì quản lý xe tự lái thế nào? Rồi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ra sao, kịch bản nào để ứng phó?

Băn khoăn về nguồn vốn

TS Phạm Thế Minh cho rằng, việc thu hút vốn đầu tư từ các thành phần tư nhân vào hạ tầng giao thông là cần thiết. Rút kinh nghiệm từ các dự án đầu tư BOT vừa qua cần đề xuất cơ chế chính sách gì để các nhà đầu tư vào đường bộ được bảo toàn vốn, có khả năng sinh lời đồng thời đảm bảo lợi ích chung. Tuy nhiên, trong quy hoạch lại không đề cập rõ.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư góp ý về chương 11 nhu cầu vốn, dự kiến nguồn vốn và kế hoạch thực hiện dự án, trong dự án chỉ tâp trung vào vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong khi đó từ lâu chúng ta đã và đang thực hiện chủ trương xã hội hoá, đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Do vậy, các kịch bản huy động vốn thiếu cơ sở khoa học và phương pháp luận. Cần phải tìm ra điểm nghẽn, bất hợp lý trong phân bố nguồn lực trong thời gian qua, rút bài học trong phân bố nguồn vốn như thế nào để không phân tán, lựa chọn, sử dụng ra sao là điểm còn thiếu trong bản chiến lược. Các chương tiếp theo về giải pháp thực hiện và tổ chức thực hiện có nội dung quá đơn giản trong khi đây là nội dung rất quan trọng quyết định thành bại của bản quy hoạch.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, quy hoạch cần đưa ra các kịch bản phương án vốn bởi tổng mức đầu tư có thể lên đến 1,4 triệu tỷ đồng là con số rất lớn. Do vậy, cần đưa ra nhiều phương án, vốn như thế này thì làm thế này để đảm bảo tính khả thi, tránh vỡ quy hoạch. Ngoài ra, phải thực hiện phân kỳ đầu tư nhỏ hơn nữa trong bối cảnh vốn có nhiều biến động khó lường như hiện nay.

TS Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam cho rằng, hầu hết đường cao tốc được xây dựng thời gian qua đều sử dụng vốn vay ODA, vốn đối ứng và vốn NSNN. Việc đầu tư xây dựng mạng lưới đường cao tốc chủ yếu dược giao cho hai Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc là doanh nghiệp nhà nước là VEC và Cửu Long, trong đó, Tổng Công ty Cửu Long đã giải thể, sát nhập vào VEC. Một vài đường cao tốc được thực hiện theo hình thức BOT nhưng vẫn có những ngân hàng quốc doanh đứng sau. Nhà nước chủ trương thúc đẩy hình thức BOT phát triển nhưng kết quả không như kỳ vọng, cần có sự phân tích xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Ngoài ra, việc nghiên cứu mô hình, kinh nghiệm và xu thế phát triển đường bộ các nước trong bản quy hoạch đề cập đến Trung Quóc, Mỹ, Nhật Bản là những nơi ít có đặc điểm phù hợp với nước ta thì không nên.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS Nguyễn Văn Thể cho rằng, những ý kiến góp ý của các nhà khoa học có ý nghĩa rất lớn để Bộ GTVT chỉnh sửa, hoàn thiện quy hoạch. Trong vòng 15 ngày tới sẽ chỉnh sửa trên tinh thần tiếp thu các ý kiến này.

TSKH Phan Xuân Dũng đánh giá cao bản dự thảo chiến lược của Bộ GTVT, có tính kế thừa, chặt chẽ, khoa học, chất lượng cao. Tuy nhiên, qua góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học đã thấy được những bất cập cần phải chỉnh sửa của dự thảo quy hoạch. Để hoàn chỉnh đề án, Bộ GTVT cần bổ sung điều chỉnh các bất cập này trước khi trình Chính phủ thông qua.

Theo KH&ĐS
back to top