Quy định xuất xứ: Doanh nghiệp thấy cần, nhưng sợ bị hành thêm

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến thực tế xung quanh dự thảo này.

Là quy định, nhưng đừng là thủ tục

Một doanh nghiệp (DN) ngành thép cho biết, thực tế đã có hiện tượng thép Trung Quốc vào Việt Nam thông qua một số khâu chế biến, gắn nhãn "Made in Vietnam" rồi xuất khẩu hưởng thuế thấp và né thương chiến Mỹ - Trung.

Việc này cũng đưa hàng Việt vào thế nguy hiểm khi các nước nhập khẩu, đặc biệt là Mỹ, có thể xem xét vấn đề giả mạo xuất xứ, khiến hàng Việt bị giảm uy tín và có nguy cơ bị áp thuế chống gian lận xuất xứ. Giữa các DN thép trong nước đang diễn ra cuộc tranh luận quyết liệt về quan điểm có tăng thuế hay không tăng thuế để chặn thép Trung Quốc gian lận xuất xứ hàng Việt.

Cũng theo DN này, nếu đánh thuế thép nhập khẩu đầu vào hàng loạt DN sản xuất tôn mạ trong nước sẽ gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng. Thậm chí, có DN phải ngừng bớt dây chuyền sản xuất do không cạnh tranh được về giá. 7 tháng đầu năm 2019, sản lượng tôn mạ của nhiều DN giảm 5%-20%. Hầu hết phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động. DN tôn mạ không thể không nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bởi tương lai, nhà máy thép Hòa Phát - Quảng Ngãi đi vào sản xuất và cho ra 2 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm cũng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Do vậy, các DN kiến nghị Nhà nước nghiên cứu chính sách phù hợp để bảo hộ DN nội trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi gian lận xuất xứ.

Rõ ràng, hiện tượng nhiều hàng hóa Trung Quốc được biến hóa thành hàng Việt không chỉ là thách thức với cơ quan quản lý, mà còn gây bức xúc với người tiêu dùng. Vì vậy, theo Luật sư Nguyễn Tuấn Long, Đoàn Luật sư TPHCM, quy định về ghi nhãn "Made in Vietnam" của Bộ Công Thương nếu hoàn thiện sẽ là công cụ quản lý, chế tài răn đe, giúp giảm bớt các gian lận.

Tuy nhiên, dự thảo hiện nay còn nhiều vướng mắc, cần nhiều ý kiến của các doanh nghiệp để khái niệm "Made in Vietnam" có thể trở thành hành lang pháp lý phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, những năm gần đây, việc gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam đã mang lại giá trị tiếp thị tốt. Doanh nghiệp không còn ngại dán nhãn hàng Việt, thậm chí dù không phải hàng Việt Nam nhưng cũng có doanh nghiệp giả mạo, dán nhãn "sản xuất tại Việt Nam" để dễ bán.

Từ một số vụ việc tiêu cực liên quan đến việc sản phẩm giả mạo xuất xứ Việt Nam, thực tế phát sinh nhu cầu cần phải hiểu như thế nào là hàng hóa của Việt Nam, thế nào là sản xuất tại Việt Nam... Bộ Công Thương nhận thấy cần phải có quy định để các doanh nghiệp chân chính tự tin khi gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam vào sản phẩm của mình.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, đánh giá việc ban hành thông tư sẽ có tác động tích cực đối với doanh nghiệp Việt, nhất là những doanh nghiệp có thương hiệu, sản xuất hàng hóa rõ ràng, minh bạch, khẳng định được hàng hóa của mình. Tuy nhiên, bà Chi cũng kiến nghị, không nên dùng thông tư này như một công cụ để đi vào kiểm tra doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng phải đảm bảo không phát sinh thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến doanh nghiệp - bà Chi đề nghị.

Công cụ phân xử

Đồng tình với băn khoăn của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, không nên sử dụng thông tư này để can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp bằng cách đến kiểm tra có dán nhãn đúng hay không. Các quy định tại thông tư này chỉ được sử dụng như một công cụ để phân xử khi có chuyện xảy ra. Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, khi hoàn thiện thông tư sẽ làm rõ hơn vấn đề này. Nhà nước sẽ không tổ chức cấp xác nhận xuất xứ, thay vào đó sẽ đề cao tính tự giác của doanh nghiệp. Việc thực thi thông tư này sẽ không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Thừa nhận việc ban hành quy định về xuất xứ hàng hóa nội địa là một điều không đơn giản, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM ông Trần Việt Anh cho biết các nước phát triển cũng đau đầu về quy tắc xuất xứ. Hiện mỗi nước có một quy tắc khác nhau. Ví dụ, Thụy Sĩ quy định xuất xứ chiếc đồng hồ của quốc gia này là nội địa hóa phải trên 70-80% và công đoạn cuối cùng phải ở Thụy Sĩ. Mỹ cũng có những quy định xuất xứ mà Việt Nam không thể theo được, ví dụ một cái lò nướng phải sản xuất nội địa 90% mới được ghi "Made in USA". Vậy chọn tỷ lệ nội địa bao nhiêu để vừa hỗ trợ doanh nghiệp lại vừa tạo điều kiện phù hợp với các quy định xuất nhập khẩu sang các nước là điều không hề dễ dàng.

Có những doanh nghiệp Việt làm được những chiếc máy thương hiệu Việt nhưng sử dụng cụm từ "lắp ráp tại Việt Nam" thay vì dán nhãn sản xuất tại Việt Nam, bởi các sản phẩm này sử dụng phần lớn linh kiện nhập khẩu. Vậy thì thông tư quy định ghi như thế nào để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, dự thảo thông tư này hiện không cho phép doanh nghiệp sử dụng cụm từ "xuất xứ Việt Nam" để ghi lên bao bì sản phẩm, bởi đây là khái niệm rất dễ gây nhầm lẫn. Một sản phẩm đáp ứng xuất xứ chưa chắc là một sản phẩm được xem là sản xuất tại Việt Nam. Nhiều trường hợp dù nước ngoài đã thừa nhận là sản phẩm "xuất xứ Việt Nam" nhưng chưa chắc đã là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam theo đúng quy định của thông tư này.

Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Thay vì sử dụng cụm từ "Made in Vietnam", các doanh nghiệp phải sử dụng một trong các thuật ngữ như sản phẩm của Việt Nam, sản phẩm Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam, hàng Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam... Nếu muốn sử dụng cụm từ "Made in Vietnam" hoặc các thứ tiếng khác với nghĩa tương đương, trước hết phải có cụm từ với nội dung thể hiện xuất xứ bằng tiếng Việt.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top