Dự thảo hàng Made in VietNam: Có tránh được “gian lận xuất xứ”?

(khoahocdoisong.vn) - Trước nhiều ý kiến về dự thảo thông tư “Quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam”, ngày 14/8, Bộ Công thương đã có buổi trao đổi, cung cấp thông tin với báo chí về các nội dung liên quan.

30% là tỷ lệ hợp lý?

Dự thảo của Bộ Công thương có 4 chương, 16 điều, được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Theo dự thảo thông tư, hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam khi có xuất xứ thuần túy (WO) hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Đại diện cho khái niệm này chủ yếu là các mặt hàng được gieo trồng và thu hoạch tại Việt Nam, chẳng hạn như trong lĩnh vực nông sản, thủy sản.

Bên cạnh đó, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam và đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng... cũng được xem là hàng Việt Nam. Theo dự thảo, để được xem là hàng “made in Vietnam”, tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm đạt từ 30%.

Quy định của thông tư (tại dự thảo) cho phép tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ  “sản phẩm của Việt Nam” hoặc “sản phẩm Việt Nam”; “hàng hóa của Việt Nam” hoặc “hàng hóa Việt Nam”, hoặc “hàng Việt Nam”; “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “Việt Nam sản xuất”; “chế tạo tại Việt Nam” hoặc “Việt Nam chế tạo”; “chế tác tại Việt Nam” hoặc “Việt Nam chế tác”... để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa, hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

Nhận xét về dự thảo, một số chuyên gia cho rằng, hàm lượng giá trị gia tăng 30% là tỷ lệ hợp lý và không mới. Bởi, tiêu chí này từng xuất hiện tại các nghị định và thông tư hướng dẫn xuất xứ hàng hóa không ưu đãi từ Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường mà Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp (DN), Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, đưa ra con số 30% hàm lượng giá trị gia tăng cho tất cả mặt hàng lại không hợp lý. Đối với mặt hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày thì hàm lượng giá trị gia tăng đạt 30% không khó. Song, đối với các ngành sử dụng ít lao động nhưng chi phí nguyên vật liệu lớn thì hàm lượng giá trị gia tăng lại trở thành trở ngại cho DN.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho hay, tại Việt Nam có rất nhiều sản phẩm chỉ là lắp ráp ở Việt Nam nhưng vẫn được tính là hàng Việt. Chẳng hạn như các sản phẩm công nghệ của Samsung, thực chất đó là sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam, DN Việt chỉ làm được một vài chi tiết rất nhỏ, thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng, mà khâu này khó có thể đạt được 30% như dự thảo nêu. Vì vậy, dự thảo quy định cần phải phân loại theo nhóm sản phẩm, ví dụ sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, sản phẩm truyền thống, sản phẩm thô sơ... Trong từng sản phẩm phải quy định những bộ phận chính của sản phẩm là do DN Việt làm mới được coi là hàng Việt.

Không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài

Trả lời những thắc mắc về dự thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, thông tư quy định hàng hóa không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, ví dụ "made in Vietnam" hay "product of Vietnam" bởi lẽ thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc bằng tiếng Việt.

Một số ý kiến viện dẫn Mỹ với Thụy Sỹ thắc mắc về tỷ lệ 30% là chưa hợp lý. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, trong đàm phán với Việt Nam, cả Mỹ, cả Nhật, cả Thụy Sỹ đều tha thiết đề nghị ta áp dụng quy tắc VAC 30%, hay chuyển đổi mã số hàng hóa cho tuyệt đại đa số sản phẩm công nghiệp của họ, không ai đề nghị 50% hay 60% cả, trừ đối với một vài mặt hàng cực kỳ nhạy cảm như may mặc, ô tô.

Tại phụ lục các danh mục hàng hóa kèm theo dự thảo Thông tư, Bộ Công thương liệt kê các mặt hàng, trong đó hầu hết phải đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30% (một số ít sản phẩm 40%). Do vậy, việc dự thảo thông tư quy định, hàng hóa được xem là hàng Việt Nam phải đạt tỉ lệ giá trị gia tăng 30% hàm lượng giá trị nội địa chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam để tránh tình huống "oái ăm" là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho hay, thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.

Các sản phẩm từ trước tới nay vẫn được dán nhãn "made in Viet Nam" hay sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam", theo dự thảo, khi thông tư có hiệu lực thi hành, việc thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa phải tuân thủ các quy định của thông tư, không có ngoại lệ. Với Thông tư này, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

Điều mà các doanh nghiệp, người tiêu dùng mong mỏi là dự thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những doanh nghiệp chân chính. Một khuyến nghị nữa đến từ các chuyên gia là Bộ Công thương cần sớm xây dựng cơ chế, đội ngũ có chuyên môn cao, đồng thời áp dụng khoa học kĩ thuật phục vụ giám định, kiểm tra chất lượng hàng hóa, phục vụ cho việc ghi nhãn. Có như vậy, hàng hóa lưu thông trên thị trường mới đảm bảo đúng với pháp luật, góp phần loại bỏ triệt để các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.

Theo Đời sống
Đồng hồ Led để bàn... giá rẻ thành bỏ đi

Đồng hồ Led để bàn... giá rẻ thành bỏ đi

"Nhận hàng mới biết là phí tiền vì bên ngoài thì trầy xước, mùi nhựa rất khó chịu, đồng hồ bị lỗi hiển thị sai thứ, lúc giao không có pin nên không thử được,...", chị Lan chia sẻ khi mua đồng hồ led giá 21.000 đồng.
Giá xăng tiếp tục giảm từ 15h ngày 31/10

Giá xăng tiếp tục giảm từ 15h ngày 31/10

Chiều 31/10, liên bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Từ 15h hôm nay, giá xăng được điều chỉnh giảm giảm từ gần 300 đồng đến gần 400 đồng/lít, trong khi giá giá các loại dầu đồng loạt tăng.
back to top