Với tổng chiều dài 119,64km, Quốc lộ 30 là tuyến giao thông huyết mạch nối các trục giao thông chính và quan trọng như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ N1. Tuy nhiên, lưu lượng phương tiện đông cùng với mặt đường hẹp khiến giao thông toàn tuyến quốc lộ này gặp trở ngại.
Suốt chiều quốc lộ 30 đã xuất hiện tình trạng xuống cấp. Đặc biệt đoạn có chiều dài khoảng 50km từ huyện Cao Lãnh đi thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), rất nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, có nơi xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ voi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Do đó, việc nâng cấp Quốc lộ 30 rất được người dân và các ngành chức năng ở tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng.
Tháng 10/2019, dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự được khởi công với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư 2 đoạn tránh ở thành phố Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự, dài khoảng 20 km. Giai đoạn 2 của dự án được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến, hoàn thành vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, khởi công từ tháng 10/2019 tính đến nay đã thi công gần 4 tháng, nhưng giá trị sản lượng được nghiệm thu của dự án này rất thấp, chỉ 7,2 trên tổng mức 425,5 tỷ đồng và chỉ đạt 2% tổng khối lượng.
Ghi nhận thực tế với chiều dài tuyến khoảng 39,3km cho thấy, khắp nơi là sự lộn xộn về máy móc thiết bị. Bụi bặm phủ kín cả quãng đường dài, hai bên đường đi bị đào bới ngổn ngang, trong khi các cảnh báo về dự án, dây phản quang, rào chắn thi công lại có rất ít và thưa thớt. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho phương tiện đi qua.
Suốt chiều dài hàng trăm km dọc theo quốc lộ 30 đã xuất hiện tình trạng sụp lún, xuống cấp. |
Về nguyên nhân chậm trễ tiến độ, Sở GTVT Đồng Tháp đánh giá, Liên danh nhà thầu thi công chưa chủ động và tích cực trong công tác huy động thiết bị, tập kết vật tư để thi công những đoạn đường đã có mặt bằng.
Nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ là vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB). Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị khẩn trương bàn giao mặt bằng để thi công dự án. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, công tác GPMB còn nhiều vướng mắc.
Theo báo cáo Sở GTVT Đồng Tháp, hiện còn 1.208 hộ dân chưa hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường. Trong đó thị xã Hồng Ngự 169 hộ, huyện Thanh Bình 157 hộ, Trung tâm phát triển quỹ đất 243 hộ, huyện Tam Nông 639 hộ.
Thời gian buộc hoàn thành và kế hoạch giải ngân vốn của dự án phải được thực hiện dứt điểm trong năm 2020. Do vậy trong trường hợp chính quyền địa phương không kịp thời bàn giao mặt bằng và thi công chậm trễ thì dự án sẽ phải dừng thi công.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá: “Việc dự án thi công chậm tiến độ và đang nằm mức báo động như thế này thể hiện sự yếu kém về quản lý cũng như chỉ đạo của địa phương trong công tác đền bù GPMB. Sau dự án này chúng tôi sẽ đánh giá lại công năng làm việc của từng đơn vị”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, sẽ sớm chi bồi thường cho các hộ đã được phê duyệt phương án để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trong tháng 02/2020. Đối với các hộ chưa lập phương án bồi thường, đề nghị khẩn trương chuẩn bị các thủ tục trình Sở TN & MT thẩm định và phê duyệt để bàn giao dứt điểm các huyện Thanh Bình , Tam Nông , Thị xã Hồng Ngự... trong tháng 3/2020.
Về thi công xây dựng, tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 và Công ty TNHH đầu tư xây dựng Đức An đẩy nhanh tiến độ thi công các đoạn đã bàn giao, đồng thời phải đảm bảo vấn đề an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.