Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đến thời điểm hiện tại, Bộ đã hoàn thành toàn bộ 5/37 quy hoạch ngành quốc gia.
Quy hoạch đường sắt là quy hoạch thứ ba được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau Quy hoạch mạng lưới đường bộ và Quy hoạch hệ thống cảng biển.
Theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2030 sẽ nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện có và đầu tư 9 tuyến đường sắt mới. Tổng chiều dài khoảng 2.440km; quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362 km.
Dự án quan trọng quốc gia được ưu tiên đầu tư gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP. HCM (ưu tiên triển khai đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang – TP. HCM). Ngoài ra, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có.
Tiếp đến là các tuyến đường sắt kết nối TP. HCM với Cần Thơ, kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, liên vận quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km. Trong đó phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP. HCM. Đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế.
Về nguồn vốn, Bộ trưởng Thể cho biết sẽ cố gắng tham mưu để bố trí cho ngành đường sắt 240.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó có vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Ví dụ như vốn ODA, vốn các nhà đầu tư,…
Theo Bộ GTVT, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 bố trí cho giao thông khoảng 336.000 tỷ đồng. Trong đó, sẽ dành hơn 15.900 tỷ đồng bố trí cho duy trì phát triển hạ tầng đường sắt (khoảng 4,7% tổng vốn kế hoạch cho giao thông 5 năm tới).
Phần lớn vốn đầu tư công trong 5 năm tới tập trung cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, từ năm 2026 trở đi sẽ tập trung vốn ngân sách đầu tư đường sắt.
Cần lưu ý, với việc chia nhỏ xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao theo đoạn, dường như Chính phủ cũng giảm bớt được áp lực giám sát và phán quyết từ Quốc hội.
Trước đó, tính từ năm 2010 tới nay, Quốc hội đã bác đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Nam - Bắc của Chính phủ.
Năm 2020, Chính phủ đã thêm lần nữa trình Quốc hội về kế hoạch xây dựng đường sắt tốc cao Nam - Bắc với tổng quy mô đầu tư trên 56 tỷ USD.
Cho đến nay, ngoài các tuyến đường sắt đô thị đã được đầu tư với quy mô vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, Việt Nam chưa thực sự xây dựng và vận hành được bất kỳ tuyến đường sắt tốc độ cao nào dành cho vận tải hàng hóa. Cho dù là tuyến Cái Lân - Yên Viên.
Thiếu đường sắt vận tải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới chi phí vận tải của hàng hóa Việt Nam hiện cao gần nhất thế giới trong số các nước đang phát triển.
Hiện chi phí logistics (vận tải, lưu kho, làm thủ tục hải quan…) ở Việt Nam bằng khoảng 20,9-25% GDP.
Chi phí logistics quá cao cũng là nguyên nhân làm giảm tính cạch tranh của kinh tế Việt Nam. Và việc ưu tiên quá mức cho đầu tư đường bộ đã khiến cho hạ tầng logistics hình thành chỉ dọc theo đường bộ.
Kết quả dẫn tới cạn kiệt nhanh chóng tiềm năng phát triển quỹ đất tại các tỉnh có hạ tầng đường bộ phát triển. Trong khi tiềm năng phát triển của các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền Trung bị giảm sức cạnh tranh thu hút đầu tư. Đồng thời nền kinh tế bị phát triển lệch về các trung tâm giao thông đường bộ.
Xét về tổng mức đầu tư, quy mô phát triển đường bộ một cách rầm rộ những năm qua cũng có thể tương đương với việc xây dựng được tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.