Bụi mịn từ đâu ra?
Tờ The New York Times của Mỹ ngày 4/12 đã đăng tải một bản đồ về các nguồn phát thải bụi mịn và đường đi của bụi mịn trên toàn thế giới trong vòng 1 năm (tháng 11/2018 - tháng 11/2019), theo số liệu của Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus thuộc EU. Trong đó, miền Bắc Việt Nam khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng là một trong những nguồn phát thải thường xuyên trên thế giới. Ngoài ra, Miền Bắc Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng thường xuyên từ bụi mịn thổi sang từ Trung Quốc.
Cũng trong bài báo, người xem cũng có thể so sánh bằng mắt thường chất lượng không khí ở Hà Nội và TPHCM với khu vực từng có chỉ số bụi mịn cao nhất thế giới là New Delhi. Ở Hà Nội, ngày có bụi mịn cao nhất trong năm nay đạt 202 µg/m3, ở TPHCM là 156 µg/m3 – hai mức đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Đỉnh bụi mịn ở Hà Nội tương đương với chỉ số cao nhất ở khu vực Bay Area, California khi xảy ra cháy rừng vào năm ngoái, gần 200 µg/m3. Ở New Delhi, bụi mịn đã từng lên đến hơn 900 µg/m3 – mức nguy hiểm.
Ô nhiễm không khí đến từ bụi mịn là nguyên nhân gây ra khoảng 4.2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới trong năm 2015, phần lớn tập trung ở phía đông và nam Á. Hàng triệu người đã gặp bệnh tật do hít phải không khí ô nhiễm. Ô nhiễm này chủ yếu đến từ việc đốt than trong các nhà máy điện, đốt xăng trong xe hơi, hóa chất trong các quy trình công nghiệp, hoặc vật liệu gỗ và bất cứ thứ gì khác bốc cháy trong các vụ cháy rừng. Điều đáng nói là những hạt bụi mịn này không nhìn thấy bằng mắt thường, chúng nhỏ hơn khoảng 35 lần so với hạt cát. Với nồng độ cao, chúng có thể tạo thành đám mây trên bầu trời.
Điện than làm tăng bụi mịn?
Liệu có phải thủ phạm gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng thời gian qua là do hoạt động của các nhà máy nhiệt điện (điện than)? Theo chuyên gia Đào Nhật Đình, tư vấn môi trường cho các tổ chức phi chính phủ, đúng là bụi mịn trong khí quyển ở Việt Nam một phần do điện than, một phần từ Trung Quốc bay sang, nhưng không vì thế mà có thể kết luận Hải Phòng và Quảng Ninh là một trong những điểm phát sinh bụi mịn lớn của thế giới. Thứ nhất vì công cụ sử dụng đo bụi mịn của tổ chức Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus thuộc EU sử dụng số liệu từ vệ tinh Copernicus, là một loại vệ tinh chỉ đo được tầng từ 3km trở lên, trong khi vùng đồng bằng sông Hồng là nơi có nhiều mây nhất trong toàn bộ Đông Nam Á, nên số liệu đo sẽ không chuẩn. Ngay cả đo từ các trạm mặt đất thì cũng chưa thể kết luận nguồn phát sinh bụi mịn đến từ đâu.
TS Trương An Hà, trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội cho biết, hoạt động đốt than sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện than có thể phát thải ra những chất gây ô nhiễm môi trường như SO2, NOx, các loại bụi PM 10, PM 2.5. Tuy nhiên, tại Việt Nam 100% nhà máy nhiệt điện than đã lắp đặt công nghệ lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất cao lên đến 99%. Nhiều nhà máy có công nghệ khử lưu huỳnh hoặc khử NOx. Việc có những công nghệ này có hiệu quả giúp giảm phát thải một số chất ô nhiễm nói trên.
“Để đánh giá mức độ phát thải nhiệt điện than so với các hoạt động khác, cần phải có những nghiên cứu tổng thể để đánh giá được tất cả các hoạt động gây ra phát thải và ảnh hưởng đến chất lượng không khí”, TS Trương An Hà cho biết.
Ngoài các hoạt động nhiệt điện than là các hoạt động công nghiệp, đốt trong công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải, hoạt động nông nghiệp hay hoạt động đốt nhiên liệu về dân sinh. Điện than có phải là thủ phạm gây bụi mịn, cần nghiên cứu bài bản. Gần đây có một nghiên cứu của chương trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế, Cộng hòa Áo (IIASA). Sử dụng mô hình đánh giá tích hợp GAINS để đánh giá và dự báo được mức độ phát thải từ các hoạt động ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong tương lai.
Bảo Khánh