Dự án Khu thương mại - dịch vụ và dân cư Tịnh Phong (Dự án) được triển khai tại thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi từ cuối năm 2017.
Tổng số vốn mà UBND huyện Sơn Tịnh bố trí cho dự án này là hơn 70 tỷ đồng.
Dự án Khu thương mại - dịch vụ và dân cư Tịnh Phong triển khai trên quy mô hơn 5 hecta. |
Trong đó, chi phí xây dựng là hơn 30 tỷ đồng, 27 tỷ dành cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, còn lại là chi phí dự phòng và chi phí khác.
Dù dự kiến hoàn thành vào năm 2019, tuy nhiên đến nay dự án vẫn "dậm chân" không biết đến khi nào mới có thể tiếp tục thi công. Sau hai lần gia hạn vào các năm 2019 và 2021, hiện thời gian hoàn thành dự án được kéo dài đến 31/12/2022.
Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư mới chỉ giải phóng mặt bằng được hơn 3 ha đất nông nghiệp, khối lượng xây lắp chỉ đạt 30%.
Thực tế hiện trường, cả công trình rộng lớn không hề có bóng dáng công nhân hay bảo vệ. Ở đây cũng không có bất cứ máy móc, phương tiện thi công nào. Bên trong công trình, hàng loạt ki ốt đang xây dựng dang dở, trần tường nứt nẻ thấm dột, các cấu kiện bê tông để ngổn ngang khắp khu vực. Theo thời gian, cỏ mọc um tùm, dự án thành bãi chăn thả gia súc.
Dự án đã trở nên hoang tàn và thành điểm... chăn thả gia súc tự phát. |
Người dân sống gần dự án cho biết, khi dự án triển khai tại đây ai nấy cũng hồ hởi, trông đợi. Tuy nhiên sau một thời gian thì việc thi công bị dừng hẳn gây khó hiểu cùng với bức xúc.
“Thấy dự án này xây dựng lâu rồi mà không biết vướng bận gì đến nay vẫn chưa hoàn thành đưa vào hoạt động. Việc buôn bán ở chợ gần đây thì chật chội, người ta lấn cả ra lề đường, nguy hiểm lắm!” - Chị Vân người dân thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong cho biết.
Chị Vân chia sẻ thêm: “Vì xây dựng dang dở, bỏ hoang nên có một số người vứt rác ở phía sau gây ô nhiễm môi trường, đêm đến thì thường có một số thanh niên đến tụ tập, ngủ lại ở các ki ốt.”
Cụ Lý (67 tuổi) trú thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong cho biết: “Hồi năm đó, thấy chợ xây dựng thì rất mừng. Cô trông mong cho nó hoàn thành để vào buôn bán, cải thiện đời sống nhưng mà mãi không xong rồi cứ bỏ hoang vầy”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong – Huỳnh Thanh Tiến cho biết: “Hiện tại nhiều hạng mục trong công trình bị xuống cấp theo như phản ánh của người dân là đúng. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Sơn Tịnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án để ổn định đời sống người dân cũng như khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.”
Nhiều hạng mục công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp. |
Theo tìm hiểu, Dự án có tổng diện tích gần 5 ha, trong đó có 3,2 hecta san nền phân lô. Phần diện tích còn lại là phân khu chợ với 4 nhà ki ốt, 60 quầy, đường giao thông, điện chiếu sáng, vỉa hè… Các hạng mục trên là công trình cấp 4, riêng hạng mục thoát nước mưa và nước thải là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp 3.
Đại diện đơn vị quản lý dự án cho biết, nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là do vướng mắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Các hộ dân chưa thống nhất đơn giá bồi thường cũng như vị trí tái định cư vì cho rằng giá bồi thường quá thấp so với thực tế. Trong khu vực dự án, có nhà cửa, đất đai của 12 hộ gia đình với tổng diện tích khoảng 3.500 m2, hiện chưa có gia đình nào đồng ý di dời.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tịnh (BQL dự án) nói: “Công tác quản lý đất của chính quyền sở tại có nhiều bất cập khiến việc giải phóng mặt bằng dọc tuyến đường QL 1A gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Tùng, chủ đầu tư đang vận động, giải thích để người dân trong vùng dự án đồng thuận. Hiện BQL dự án đang trình UBND huyện Sơn Tịnh phương án cưỡng chế hai trường hợp.
Về phần các hạng mục đã thi công tại dự án bị hư hại, xuống cấp, BQL dự án cho biết sẽ tổ chức đi kiểm tra hiện trường, nếu có hư hỏng sẽ yêu cầu đơn vị thi công khắc phục. Đồng thời, BQL dự án cũng sẽ yêu cầu các đơn vị thi công che chắn công trình, không cho người dân vào chăn nuôi, thả gia súc.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh - ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, việc triển khai dự án từ năm 2017 đến nay chưa xong, trách nhiệm đầu tiên thuộc về BQL DA. Ngoài ra, ông Cường cũng khẳng định còn có nhiều nguyên nhân khách quan khác.
“Suốt hai năm xảy ra dịch Covid – 19 thì chủ đầu tư không thể họp dân để thống nhất bồi thường, tái định cư. Nhiều hộ dân yêu cầu quá đáng, khi thu hồi đất nông nghiệp cũng yêu cầu đất tái định cư. Chưa kể nhà 4-5 người con, đều đã có nhà cửa hẳn hoi vẫn đòi tái định cư mỗi người con một lô đất.” - ông Cường nói.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cũng cho biết, đối với các hộ gia đình được xem là thiệt thòi vì áp giá đền bù theo khung giá hiện hành không đủ để xây nhà mới tái định cư, huyện Sơn Tịnh sẽ xem xét để hỗ trợ thêm đúng quy định, chứ không thể hỗ trợ tái định cư trái với hành lang theo quy định hiện hành được./.