Sở GDCK TPHCM (HOSE) vừa có quyết định chuyển cổ phiếu PSH từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 23/10.
Nguyên nhân do CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch.
Theo đó, cổ phiếu PSH chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và thoả thuận kể từ ngày 23/10.
Trong một diễn biến khác, hồi tháng 7 vừa qua PSH đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án khoản vay nước ngoài 343 triệu USD.
NSH Petro sẽ vay Global Wise Investments và BIDV là các bên cho vay ban đầu. Còn Berhero Pty Limited Trading as Acuity Funding (AF) với tư cách là bên thu xếp, quản lý khoản vay, đại lý của các bên tài trợ và đại lý bảo đảm.
Các khoản tín dụng bằng USD tới 343 triệu USD, trong đó ngắn hạn không quá 103,15 triệu USD, dài hạn không quá 190 triệu USD và tín dụng dài hạn không qua 50 triệu USD. Đối với khoản vay dài hạn bằng VNĐ thì số tiền tối đa là 400 triệu đồng.
NSH Petro và CTCP Kho cảng ngoại quan và Thương mại Dầu khí Nam Sông Hậu Gò Công (NSH Gò Công) và một số chủ thể liên quan khác sẽ bảo lãnh cho việc thanh toán khoản tín dụng USD và các nghĩa vụ khác.
NSH Petro và NSH Gò Công và một số chủ thể liên quan sẽ thế chấp/cầm cố tất cả các động sản, quyền tài sản, khoản phải thu, tài khoản, quyền sử dụng đất, tàu biển, tiền thừa từ việc xử lý tài sản bảo đảm... để bảo đảm cho việc thanh toán các khoản tín dụng này.
Ngoài ra, NSH Petro và Chủ tịch Mai Văn Huy sẽ thế chấp các cổ phần do ông Mai Văn Huy sở hữu trong NSH Petro và sở hữu tại NSH Gò Công để đảm bảo cho việc thanh toán các khoản tín dung USD.
NSH Petro cũng xin ý kiến cổ đông phê chuẩn việc trao quyền chọn mua lên tới 25% cổ phần trong NSH Petro thông qua việc NSH Petro chào bán cổ phiếu riêng lẻ hoặc giao dịch mua cổ phần thứ cấp từ ông Mai Văn Huy hoặc các bên được chỉ định của ông Mai Văn Huy cho AF mà không phải chào mua công khai.
Việc NSH Petro liên tục tìm cách huy động vốn qua kênh tín dụng và phát hành trong bối cảnh tình hình kinh doanh chưa có nhiều khởi sắc. Cụ thể, năm 2022 NSH Petro lỗ nặng 236 tỷ đồng, sang năm 2023 mặc dù có lãi gần 51 tỷ đồng nhưng riêng quý 4/2023 lỗ khủng 220 tỷ đồng.
Gần đây nhất là quý 1/2024 vẫn lỗ gần 24 tỷ đồng cho dù trong kỳ ghi nhận chi phí tài chính giảm mạnh, bớt gần 87%, nhờ lãi vay giảm sâu. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm.
NSH Petro báo lỗ chủ yếu do doanh thu giảm mạnh tới 8 lần, lợi nhuận gộp không đủ bù chi phí.
'Ông lớn' xăng dầu miền Tây này bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo từ 10/4.
Trong báo cáo tài chính soát xét năm 2023, kiểm toán đã đưa ra 3 ý kiến ngoại trừ đối với Nam Sông Hậu gồm: NSH Petro bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn; Nhiều khoản phải nộp ngân sách Nhà nước còn nợ; Việc kiểm toán không thể xác định tính hiện hữu của giá trị hàng tồn kho.
Tính tới cuối quý 1/2024, NSH Petro ghi nhận nợ phải trả ngắn hạn hơn 7.220 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.268 tỷ đồng nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước. Doanh nghiệp này có dư nợ gần 4.270 tỷ đồng tại BIDV. NSH Petro còn dư nợ trái phiếu gần 757 tỷ đồng.