Phóng thành công vệ tinh made in Vietnam

(khoahocdoisong.vn) - Sau khi tạm hoãn 1 ngày vì lý do thời tiết, vào lúc 8h55 phút ngày 18/1/2019 tại Nhật Bản, vệ tinh MicroDragon do Việt Nam chế tạo đã chính thức được phóng thành công vào quỹ đạo. Việt Nam đang từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất.

Vệ tinh nhỏ, tự sản xuất

Theo thông tin từ Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), thời gian phóng dự kiến là 9h50 - 9h59 (giờ Nhật Bản), tức 7h50 - 7h59 (giờ Việt Nam). MicroDragon sẽ được tách khỏi tên lửa đẩy ở độ cao 511 km với vận tốc là 7,6 km/giây. Vào lúc 8h55 phút (giờ Hà Nội) ngày 18/1/2019, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian. Trong lần phóng này, cùng với MicroDragon, 6 vệ tinh khác của Nhật Bản cũng đã tách thành công khỏi tên lửa đẩy.

MicroDragon là kết quả đầu tiên của dự án được đầu tư lớn nhất trong nhiều chục năm qua cho khoa học công nghệ là Dự án Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam do Chính phủ Việt Nam vay vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản. Tổng mức được phê duyệt là 54,4 tỷ yên tương đương 12.363,71 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản đã tính toán, hiện mỗi năm Việt Nam mất khoảng 1,5% GDP về thiên tai, tương đương khoảng 3 tỷ USD. Nếu có ảnh vệ tinh, chúng ta có thể kịp thời báo chính xác bão, lũ, ngập ở đâu. Dù không chống toàn bộ nhưng giảm thiệt hại như sơ tán đúng, cảnh báo đúng… Mỗi năm chỉ cần giảm thiệt hại được 10% đã tương đương 300 triệu USD. Đấy là chưa kể thiệt hại về người. Việt Nam phát triển công nghệ chế tạo vệ tinh đi sau nhiều nước, nhưng bước đầu đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ.

Khi được ổn định trên quỹ đạo, vệ tinh sẽ đem lại rất nhiều những ứng dụng quan trọng khác mang lại những lợi ích không thể tính cụ thể ra tiền được như phục vụ cho công tác qui hoạch, truy tìm nguồn gốc các vệt dầu loang, các chuyên nhân gây ô nhiễm trên biển, kiểm soát tàu thuyền đi trên biển… Hình ảnh vệ tinh có thể cho phép chúng ta phát hiện nhanh các tàu thuyền lạ xuất hiện gần và trên vùng biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Có ý kiến cho rằng, hiện kho ảnh vệ tinh trên thế giới khá phong phú, có thể khai thác thoải mái. Nếu cần thì có thể đặt hàng chụp ảnh vệ tinh theo ý muốn, không nhất thiết phải sản xuất vệ tinh. Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, nếu chúng ta chỉ trông cậy vào đi mua, không làm chủ được công nghệ, chúng ta sẽ mãi mãi phụ thuộc vào nước ngoài. Đồng thời từ vệ tinh nhỏ có thể tiến đến làm chủ công nghệ sản xuất vệ tinh lớn sau này.

MicroDragon là vệ tinh đầu tiên chính thức do đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam chế tạo, tích hợp. Vệ tinh này có kích thước 50 x 50 x 50 cm, nặng khoảng 50 kg. Vệ tinh MicroDragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Vệ tinh này cũng sẽ phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của không khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển, thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất.

Năm 2020 sẽ tiếp tục phóng vệ tinh NanoDragon

MicroDragon là một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, điều phối bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 01 vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản”.

Dự kiến sau khi phóng khoảng 1 - 2 ngày, vệ tinh MicroDragon sẽ thu nhận được những tín hiệu đầu tiên; sau khi hoạt động thử nghiệm trên quỹ đạo trong khoảng từ 1 -3 tháng, vệ tinh có thể vận hành ổn định theo đúng thiết kế. Hiện nay, vệ tinh đang được phối hợp điều khiển bằng hệ thống trạm mặt đất của Đại học Tokyo, ISAS/JAXA và Đại học Tokyo Denki, tại Nhật Bản.

ThS Vũ Việt Phương, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, vệ tinh khi được gắn vào tên lửa để phóng vào quỹ đạo mới chỉ là bước đầu tiên, việc phóng thành công không nói lên rằng vệ tinh đó sẽ ngay lập tức ổn định quỹ đạo, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ khi được phóng vào không gian, các cánh của vệ tinh có mở ra đúng hướng mặt trời để nhận năng lượng hay không.

Khi có đủ năng lượng rồi, đứng ở quỹ đạo cài đặt rồi, cũng chưa thể nói là đã thành công dù vệ tinh có phát tín hiệu về. Chỉ đến khi trạm mặt đất có thể điều khiển, sử dụng các lệnh để vệ tinh hoạt động theo lệnh này và truyền kết quả về trạm mặt đất thì mới được coi là thành công. Từ lúc vệ tinh được phóng vào không gian đến lúc phát tín hiệu về mất từ 2-5 ngày. Từ lúc phát tín hiệu về đến lúc có thể điều khiển được vệ tinh cũng là một khoảng thời gian dài, tùy thuộc tình trạng hoạt động của vệ tinh trên quỹ đạo.

Hiện nay, một vệ tinh khác là NanoDragon (khối lượng 10kg) cũng đang được TTVTVN nghiên cứu, phát triển, hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư và chuyên gia tại Việt Nam. Vệ tinh này có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng dòng vệ tinh nano. Đây là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020. Mới đây vệ tinh cũng đã được JAXA thông báo đồng ý đưa lên quỹ đạo theo “Chương trình trình diễn công nghệ vệ tinh tiên tiến 2”, dự kiến vào năm 2020.

Trước đó vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng, hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.

Theo Đời sống
Có gì mới trong macOS Sequoia?

Có gì mới trong macOS Sequoia?

Apple đã chính thức giới thiệu macOS 15 Sequoia, phiên bản mới nhất của hệ điều hành dành cho máy Mac. macOS Sequoia là một bản cập nhật miễn phí, có thể được tải xuống trên các dòng máy.
back to top