Phòng ngừa run tay ở người cao tuổi

(khoahocdoisong.vn) - Run tay tự phát không thể kiểm soát được khi nghỉ cũng như lúc vận động với cường độ và biên độ rất khác nhau. Run tay có thể là biểu hiện của bệnh lý ở người già nhưng đôi khi cũng bắt gặp ở nhiều người khỏe mạnh, thậm chí trẻ tuổi.

Run tay có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào, nhưng thường thấy hơn ở người tuổi cao. Đây không phải là bệnh nguy hiểm nhưng người bệnh cảm thấy bối rối và đôi khi không làm được các sinh hoạt hàng ngày như cầm bát ăn cơm, cài khuy cúc quần áo, đánh răng, cầm một vật gì hoặc khi đi đứng. Đối với người trẻ tuổi, chứng run tay là dấu hiệu của một số bệnh lý và do tác động bên ngoài. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh run tay, có thể do sự tổn thương của các tế bào thần kinh vùng vận động, hay sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội làm gia tăng các bệnh lý về thần kinh như trầm cảm, lo âu, stress, hút thuốc, lạm dụng cà phê,…

Run vô căn

Run vô căn là tình trạng run không rõ nguyên nhân, thường ảnh hưởng lớn nhất đến cả hai bàn tay, ngón tay với dấu hiệu đặc trưng là run tăng lên khi vận động. Vì vậy khi đi thăm khám để chẩn đoán phân biệt run vô căn với các nguyên nhân khác bác sỹ có thể yêu cầu bạn trải qua một số bài kiểm tra đơn giản như vẽ một vòng tròn, cầm một cốc nước… Run vô căn thường là run lành tính, tuy nhiên bệnh cũng tiến triển nặng dần theo thời gian nên việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng giúp kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn.

Run do hạ đường huyết

Ở tuổi trung niên, lượng đường trong máu xuống thấp cũng có thể gây run tay. Nguyên nhân: não sử dụng nhiều năng lượng, một phần lấy từ tế bào và một phần lấy từ lượng đường trong máu. Khi lượng đường trong máu giảm, sẽ gây các triệu chứng về thần kinh. Khi lượng đường trong máu xuống quá thấp, sẽ có các triệu chứng hạ đường huyết như: cảm giác cồn cào, mạch nhanh, run chân run tay… Nếu hạ đường huyết xảy ra khi đi xa, đang ngủ... mà không được phát hiện, cấp cứu kịp thời, dễ dẫn đến cơn mê đường huyết, có thể tử vong nếu không kịp cấp cứu.

Run do bệnh Parkinson

run-tay.jpg

run-tay.jpg

Dấu hiệu run dễ thấy nhất của Parkinson là run khi để yên tay trên mặt bàn. Song, khi đưa tay có mục đích như cầm nắm thì giảm run. Lúc mới mắc bệnh, thường chỉ run một tay, sau một thời gian thì run ở cả hai tay. Nguyên nhân gây bệnh do thiếu hụt dopamine trong não. Chất này giúp tế bào não chỉ huy và kiểm soát được các cử động của bắp thịt ở tay, chân… Bệnh được điều trị bằng thuốc để đỡ run và cử động nhanh nhẹn dễ dàng hơn. Nếu không dùng thuốc, bệnh nhân sẽ bị tàn phế và tuổi thọ bị rút ngắn. Khi dùng thuốc sẽ thấy bệnh giảm nhanh chóng. Giai đoạn này thường kéo dài vài năm.

Run tay do tiểu não bị tổn thương

Tiểu não là vùng não có vai trò điều hòa thăng bằng và phối hợp các vận động của cơ thể. Tiểu não có thể bị tổn thương bởi nhiều nguyên nhân như do nhiễm khuẩn, chấn thương hoặc thoái hóa tiểu não do di truyền,… Sự tổn thương này không chỉ gây nên tình trạng run tay mà còn làm rối loạn thăng bằng, dáng đi của người bệnh. Phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, sau khi thăm khám kỹ, các bác sỹ sẽ lựa chọn cho bạn các phương pháp điều trị khác nhau.

Run do bệnh lý cường giáp

Cường giáp là bệnh lý rối loạn tự miễn, xảy ra do cơ thể sản sinh quá nhiều hormon tuyến giáp, làm rối loạn hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Khi đó, có thể gặp phải các triệu chứng như run tay, hồi hộp, nhịp tim nhanh, căng thẳng, khó chịu… Dấu hiệu run tay trong bệnh lý cường giáp sẽ bắt đầu từ ngón tay, bàn tay, với các biên độ nhỏ, đều đặn, tăng lên khi thay đổi cảm xúc. Tình trạng run có thể giảm nếu kiểm soát tốt bệnh tuyến giáp.

Phòng ngừa chứng run tay

Để phòng và trị bệnh run tay, trong sinh hoạt hàng ngày cần một lối sống lành mạnh vui khỏe. Cân đối dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày, cung cấp đầy đủ Vitamin và khoáng chất. Nên ăn những thức ăn chứa nhiều magie (các loại rau có màu xanh thẫm), vitamin 6, vitamin D,… Giới hạn cà phê, rượu là những chất kích thích thần kinh, gây ra run, nên thư giãn hằng ngày, tập yoga, thiền, thư giãn sâu, có thể uống thêm một viên multivitamin mỗi ngày. Một số trường hợp bác sĩ chỉ cần bổ sung hỗn hợp các vitamin B1, B6, B 12 cũng giúp giảm run tay.

Ths.BS Mạnh Hùng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top