UBND TP Hội An (Quảng Nam) vừa ban hành phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An. Cụ thể, đối với hoạt động hướng dẫn tham quan, mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào. Giá vé cho khách quốc tế là 120.000 đồng/vé, khách nội địa là 80.000 đồng/vé.
Nhiều ý kiến trái chiều
Trao đổi với báo chí, bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An (đơn vị được UBND TP Hội An giao tổ chức các hoạt động hướng dẫn tham quan du lịch trong khu phố cổ) khẳng định người Hội An được ra vào phố cổ ở tất cả lối đi, không giới hạn ở kiệt, hẻm nào.
Còn đối với các tuyến đường chính, vẫn thực hiện đặt barie như hiện nay, nhưng một bên có biển chỉ dẫn "Lối đi dành cho người dân" và "Lối đi dành cho du khách".
Theo bà Cẩm, tại lối đi này, sẽ có lực lượng hướng dẫn viên hỗ trợ du khách mua vé tham quan. Qua khỏi chốt là người dân, du khách đi lại tự do trong phố, không có vấn đề gì.
Bà Cẩm cũng chia sẻ vài ngày qua, các trang mạng xã hội "giật tít" là từ 15/5 là buộc phải mua vé "thế này thế kia" làm dư luận phản ứng, cứ nghĩ là từ trước đến giờ Hội An không bán vé mà giờ bán vé.
"Thật ra quy định mua vé đã có, nhưng trước nay mình làm lỏng lẻo đối với một số đối tượng, giờ kiểm soát chặt hơn", Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An nói.
Lãnh đạo TP Hội An cũng cho rằng UNESCO công nhận cả một quần thể phố cổ chứ không công nhận công trình đơn lẻ nào là Di sản thế giới, vì thế du khách bước vào Di sản thế giới phải thực hiện nghĩa vụ.
Nhiều ý kiến trái chiều về thu phí vào phố cổ Hội An Ảnh: T.Huy |
Chia sẻ về vấn đề trên, ông N.Đ.T (chủ cửa hàng đồ lưu niệm sinh sống và buôn bán hơn 20 năm trên đường Trần Phú) đặt câu hỏi: “Tôi cũng chưa tưởng tượng được lực lượng chức năng sẽ làm thế nào để nhận diện, phân luồng sao cho mọi người không bị mất tự nhiên và không thấy bất tiện. Bởi nếu cứ đi phân biệt theo luồng như vậy, du khách sẽ thấy rất mất tự nhiên, không thoải mái. Và khi khách họ không thoải mái khi đến đây thì rõ ràng sẽ không trở lại nữa.
Còn hoạt động kinh doanh thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều khi khách ít đi. Cá nhân tôi nghĩ việc thu tiền vé thì không có vấn đề gì, tuy nhiên cách làm như thế nào để du khách họ đưa tiền mà vẫn thoải mái để không chỉ đến một lần mà còn trở lại nữa”, ông T. bày tỏ.
Với ông Nguyễn Sơn Thủy, một doanh nghiệp làm du lịch cho rằng giá vé tham quan Di sản thế giới Hội An là thấp nhất, nếu so sánh về quy mô quần thể di sản với các di sản khác trong nước và nước láng giềng.
Ví dụ so với các điểm di sản thế giới trong nước như Đại Nội Huế (200.000 đồng/vé), vịnh Hạ Long (290.000 đồng/vé), quần thể danh thắng Tràng An (250.000 đồng/vé).
Quan điểm của ông về mức vé 120.000 đồng/vé dành cho nước ngoài và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa trong thời điểm phục hồi du lịch như hiện nay là một cố gắng lớn của các nhà quản lý điểm đến du lịch như Hội An.
Không đồng ý với ý kiến của ông Thủy, một người tên N.H.T cho rằng vịnh Hạ Long, Đại Nội, Tràng An hay Angkor Wat đều là những quần thể tham quan, không có cư dân địa phương sinh sống.
Trong khi đó, Hội An lại là nơi không chỉ tham quan mà còn phát sinh nhiều dịch vụ khác như ăn uống, đi thuyền, mua sắm. Việc thu phí là cần thiết nhưng cách thức thu toàn bộ vé vào không tính đến mục đích là chưa hợp lý!
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, ủng hộ việc thu phí tham quan phố cổ Hội An. Ông Đạt cũng nhấn mạnh thực trạng nhiều công ty làm đúng luật vẫn mua vé, một số lại trốn dễ dàng. Hội An có quá nhiều cửa ngõ để vào thành phố và không phải nơi nào cũng có chốt kiểm tra vé chặt chẽ. Điều này thực sự khiến các công ty làm đúng luật cảm thấy bất công.
Về đề xuất, ông Đạt cho biết Hội An nên có chính sách hợp lý với những du khách không có nhu cầu tham quan các di tích. Nhiều người chỉ muốn vào Hội An ăn bát mì, uống cốc cà phê nên việc thu đồng giá 80.000 đồng có thể chưa hợp lý. Mặt khác, nhiều khách ở khách sạn ngoài khu vực phố cổ nhưng vẫn đến chơi mỗi ngày. Thành phố cũng nên đưa ra các gói vé kiểu "combo ra vào nhiều lần" có giới hạn thời gian sử dụng.
Giải pháp nào?
Ông Võ Đăng Phong - Chủ tịch UBND phường Minh An - Hội An chia sẻ, quy định du khách phải mua vé khi đến phố cổ Hội An đã được triển khai từ lâu tuy nhiên trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, nhiều yếu tố thay đổi do đó phương án tới đây chỉ là xốc lại, tổ chức lại để quản lý tốt hơn. Hiện tại, thành phố mới ban hành phương án và còn gần 2 tháng để triển khai. Từ nay tới 15/5, địa phương sẽ thông tin tuyên truyền cho người dân.
“Hiện tại, có 17 hướng tuyến để đi vào phố cổ, trong đó 3 - 4 đường chính. Nếu áp dụng phương án mới thì người dân vẫn đi vào bình thường, có chăng là đối với những lối chính thì thành phố tổ chức đón tiếp giống như một số khu di sản khác chứ không để du khách đi đường hẻm đường luồng”.
Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. - Ảnh: internet. |
Ông Phạm Tấn Bốn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, Đô thị cổ Hội An tuy là Di sản Văn hóa thế giới nhưng đó là "di sản sống", khác hoàn toàn với khu Đền tháp Mỹ Sơn, hay quần thể Di tích Cố đô Huế. Một di sản sống, 1 đơn vị hành chính có dân sinh mà tổ chức thu phí thì dễ vi hiến.
Mặt khác, ngoài các công trình kiến trúc vật thể riêng có, thì chính những sinh hoạt đời sống, lễ nghi, giao thương, phong tục tập quán, các làng nghề truyền thống đang nối tiếp phát triển, hoạt động... mới chính là di sản văn hóa phi vật thể - một trong những yếu tố quan trọng để đô thị cổ này được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Lập rào bán vé, người dân các địa phương lân cận sẽ không vào, dần dần chỉ có du khách. Lúc ấy, hoạt động văn hóa mất dần....
Hiện chính quyền TP Hội An chưa chính thức thực hiện quy chế mới này.