Mới đây, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao bắt quả tang ông Châu Văn Mỹ (SN 1970) - Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu đang nhận hối lộ của một nữ bị cáo ở huyện Hòa Bình, tại một khách sạn ở phường 1, TP Bạc Liêu.
Ông Châu Văn Mỹ được cho đã đòi bà D.H.T. (37 tuổi, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) – bị cáo trong vụ án trộm cắp tài sản chung chi 100 triệu đồng để xử lý nhẹ. Nữ bị cáo đã đưa trước cho ông Châu Văn Mỹ số tiền 80 triệu đồng, còn 20 triệu đồng ông này hẹn nữ bị cáo nhận tại nhà nghỉ ở phường 1.
Ông Châu Văn Mỹ - Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu. |
Đáng chú ý, trước thời điểm ông Mỹ bị bắt, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo D.H.T được chuyển hình phạt từ 6 tháng tù giam sang 6 tháng tù treo. Trước đó, phiên xét xử sơ thẩm, TAND huyện Hòa Bình đã tuyên phạt bị cáo D.H.T 6 tháng tù giam về tội "Trộm cắp tài sản".
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết ngoài việc xử lý hình sự ông Châu Văn Mỹ về tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự, cần xem xét lại Bản án hình sự phúc thẩm ngày 8/11/2022 do ông Mỹ làm Chủ tọa phiên tòa đã sửa Bản án sơ thẩm về hình phạt cho bị cáo được hưởng án treo có đúng quy định của pháp luật hay không.
Bị cáo được hưởng án treo phải căn cứ vào Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP) của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn rất chặt chẽ điều kiện cho người bị kết án tù được hưởng án treo và những trường hợp không được hưởng án treo như sau:
Đối với trường hợp người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện: Bị xử phạt tù không quá 03 năm, có nhân thân tốt (chưa có tiền án, tiền sự), có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục,…
Đối với trường hợp không cho hưởng án treo: Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã, người phạm tội nhiều lần, người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm,…
Trong vụ án Trộm cắp tài sản, bị cáo chiếm đoạt số tiền hơn 4 triệu đồng sẽ thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 174 BLHS với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Luật sư Thơm cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 6 tháng tù giam là có căn cứ, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Trường hợp nếu cấp phúc thẩm TAND tỉnh Bạc Liêu do thẩm phán Châu Văn Mỹ được phân công làm Chủ tọa phiên Tòa xét xử, sửa án sơ thẩm cho bị cáo được hưởng án treo không đúng hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao (bị cáo phạm tội nhiều lần, nhân thân đã có tiền án, tiền sự,..), cần phải kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm. Tính chất của giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Theo quy định tại Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định như sau: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Như vậy, nếu có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm Bản án phúc thẩm của TAND Tỉnh Bạc Liêu do Thẩm phán Châu Văn Mỹ làm Chủ tọa thì theo quy định tại Điều 373 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP HCM có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu theo hướng không cho bị cáo hưởng án treo và giữ nguyên Bản án cấp sơ thẩm đã tuyên 6 tháng tù giam.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt tạm giam thêm 1 thành viên đoàn thanh tra Bộ xây dựng nhận hối lộ
Nguồn: THĐT