Pháo binh Nga bắn đỏ nòng, dùng hết 20.000 viên mỗi ngày

Trên chiến trường Ukraine, Quân đội Nga bắn tới 20.000 viên đạn pháo một ngày, còn Quân đội Ukraine thì tiêu thụ bao nhiêu đạn pháo?

Với sự trợ giúp liên tục của phương Tây, tình trạng thiếu đạn pháo của quân đội Ukraine nhìn chung đã được giải quyết, đặc biệt là đạn pháo 155mm và 105mm tiêu chuẩn NATO được cung cấp tương đối đầy đủ; chỉ thiếu đạn 152mm kiểu Liên Xô.

Tuy nhiên, so với lực lượng pháo binh Nga, pháo binh Ukraine vẫn có số lượng tương đối ít; mặc dù pháo binh Nga ở Kherson và các nơi khác có giảm cường độ bắn do hậu cần kém, nhưng quân Nga vẫn đủ lực lượng pháo binh chi viện cho toàn mặt trận.

Tạp chí "Politico" của Mỹ, dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết, hiện tại pháo binh Ukraine bắn từ 4.000 đến 7.000 viên đạn mỗi ngày, trong khi pháo binh Nga có thể bắn 20.000 viên đạn pháo/ ngày; trung bình, pháo Ukraine bắn 1 phát, pháo binh Nga đáp trả 5 phát.

Quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cũng cho biết, cho đến nay, lực lượng Nga vẫn chưa phá hủy bất kỳ hệ thống tên lửa HIMARS nào của Ukraine. Còn theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga đã phá hủy 13 hệ thống HIMARS, đánh chặn thành công 600 tên lửa và nhiều kho đạn loại này.

Các nhà phân tích quân sự chỉ ra rằng, ở giai đoạn đầu cuộc chiến, ưu thế hỏa lực của pháo binh Nga là vô cùng đáng sợ; để đối phó với mục tiêu như chiến hào, pháo binh Nga có thể bắn hàng nghìn quả đạn pháo vào một mục tiêu điểm tựa cấp trung đội.

Với việc sử dụng hỏa lực pháo binh như vậy, cho thấy Quân đội Nga có ưu thế tuyệt đối về hỏa lực pháo binh. Nhưng theo nhận xét của Quân đội Ukraine, thì độ chính xác của pháo binh Nga không quá cao.

Cần lưu ý rằng, với sự hỗ trợ của một số lượng lớn pháo binh tiên tiến của phương Tây, pháo binh Ukraine có lợi thế về tầm bắn, có thể bắn chính xác hơn và phản ứng nhanh hơn.

Nhưng pháo binh Nga cũng đang tiến bộ rất nhanh, đặc biệt là độ chính xác nhờ sự hỗ trợ của UAV trinh sát. Tuy nhiên, nhiều pháo binh Nga vẫn bắn ngẫu nhiên, bắn theo các tọa độ trên bản đồ, theo mệnh lệnh của chỉ huy, bất kể khu vực tọa độ có kẻ thù, hay thậm chí là “quân ta” hay không?

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga, Lữ đoàn trưởng Khodakovsky của nước Cộng hòa Donetsk tự xưng đã phàn nàn rằng, quân của ông từng hứng chịu nhiều thương vong bởi hỏa lực của chính quân mình.

Khodakovsky kể rằng, trong một nhiệm vụ chiến đấu, đơn vị của ông bất ngờ bị pháo kích từ phía sau. Mọi người đều nhốn nháo, nghĩ rằng họ đã lọt vào vòng vây của quân đội Ukraine. Nhưng hoàn toàn không phải, sự thật là phía pháo binh đã chấm tọa độ không chính xác.

Thậm chí quân của ông còn dẫm phải mìn do chính quân mình bố trí; khi lái xe ban đêm phải tắt đèn, nên không phát hiện ra toàn bộ con đường đã bị quân ta phá hủy, cho đến khi lao xuống mương nước, mà hoàn toàn không được báo trước.

Khodakovsky nói rằng, "Sau trận Mariupol, tôi nghĩ phần lớn tổn thất của chúng tôi là do “lực lượng thân thiện” gây ra. Đây là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt là với các chỉ huy pháo binh”.

Sự thiếu sót về nhận thức tình huống chiến trường của quân đội Nga đang được cải thiện. Việc tấn công chính xác sở chỉ huy, kho đạn và các mục tiêu quan trọng khác của đối phương, làm suy yếu hiệu quả chiến đấu của đối phương, đòi hỏi phải nắm chắc vị trí chính xác vị trí của đối phương.

Để pháo binh Nga có thể “bắn trúng, đúng thời cơ, tiêu thụ đạn thích hợp”, thì quân Nga phải cải thiện khả năng trinh sát nắm địch. Điều này đòi hỏi sự thay đổi về mặt tư duy chiến trường, và đòi hỏi có sự tham gia của nhiều loại khí tài hiện đại, để đảo bảo đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Video pháo Giatsint-S của Nga khai hỏa. Nguồn:RiaNovosti

Theo Tiến Minh/Tri thức và Cuộc sống
back to top