PGS.TS Nguyễn Thị Hà: Phụ nữ làm khoa học giống… "fan" bóng đá

“Giống như người yêu bóng đá, dù phải thức đêm xem trận đấu cũng vẫn thấy thích, thấy vui; phụ nữ làm khoa học cần có đam mê, khi có đam mê thì khó khăn sẽ hóa nhỏ”.

PGS.TS Nguyễn Thị Hà, nguyên Phó trưởng Khoa, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

Bức thư tay xúc động từ người thầy chưa quen biết

PGS.TS Nguyễn Thị Hà sinh ngày 6/10/1968, tại Bắc Giang trong một gia đình đông anh chị em (10 người). Thời bao cấp khó khăn, nên ngay từ nhỏ, cô bé Nguyễn Thị Hà đã sớm có được thói quen tự giác trong học tập.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hà

PGS.TS. Nguyễn Thị Hà

Là học sinh chuyên Toán cả cấp 2 và cấp 3, cô học trò Nguyễn Thị Hà có được nền tảng tốt để học về lĩnh vực khoa học tự nhiên. Năm 1990, chị tốt nghiệp thủ khoa Hóa Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, được chuyển tiếp học nghiên cứu sinh.

Năm 1996, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Hóa hữu cơ, chị học thạc sĩ về khoa học ứng dụng tại Đại học Tổng hợp Adelaide (Úc). Trong thời gian này, chị rất muốn nghiên cứu ứng dụng hóa học, học và làm một cái gì đó về môi trường để sau này có thể góp phần giải quyết được những vấn đề môi trường ở Việt Nam.

Tuy nhiên, lúc đó, thông tin rất ít, chị không biết phải bắt đầu từ đâu. Chị lên mạng tìm hiểu thì thấy, ở Việt Nam có GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng và GS.TS Trần Hiếu Nhuệ đang là một trong những người đi đầu nghiên cứu, ứng dụng về lĩnh vực môi trường đô thị và khu công nghiệp.

Chị “đánh liều” gửi thư tay đến các thầy, tự giới thiệu về bản thân và nhờ các thầy tư vấn xem có thể theo học lĩnh vực nào, để sau này về giúp ích được cho đất nước.

“Không ngờ, các thầy đã gửi thư tay lại cho tôi. Sau này về Việt Nam, tôi đến thăm các thầy với tất cả lòng trân trọng và nể phục. Vì lúc gửi thư, tôi là một người không hề quen biết, vậy mà thầy đã hồi âm lại, tư vấn cặn kẽ, tỉ mỉ, trách nhiệm. Tôi đã chọn theo đuổi lĩnh vực xử lý nước, từ những thông tin, lời khuyên và tư vấn của các thầy”, PGS.TS Nguyễn Thị Hà xúc động nhớ lại.

Làm đẹp cho đời từ… chất thải

Sau khi về nước, PGS.TS Nguyễn Thị Hà về công tác tại Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Tại ngôi trường hàng đầu về nghiên cứu khoa học cơ bản này, chị đã có điều kiện để thực hiện những giấc mơ ấp ủ của mình.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường diễn ra khắp nơi, những dòng sông, hồ nước, cánh đồng… xanh trong, bát ngát ngày nào giờ đã và đang bị nhiễm bẩn do các nước thải, rác thải,… PGS.TS Hà đau đáu nỗi niềm. Một trong những định hướng nghiên cứu của chị đó là xử lý nước thải, chất thải, đặc biệt tận dụng chất thải để tái sử dụng, thu hồi các thành phần có giá trị.

Chị cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện hàng loạt các đề tài có ý nghĩa như: tận dụng vỏ ngao, bụi bông để chế tạo vật liệu, hoạt hóa và ứng dụng trong loại bỏ kim loại nặng và màu trong nước thải công nghiệp ngành mạ điện, dệt nhuộm...

Cùng các em sinh viên CLB FES Card (CLB làm bưu thiệp từ các vật dụng, chất thải để làm từ thiện)

Cùng các em sinh viên CLB FES Card (CLB làm bưu thiệp từ các vật dụng, chất thải để làm từ thiện)

Đặc biệt, với cụm công trình "Xử lý, tận dụng chất thải và phân tích, đánh giá chất lượng môi trường", chị cùng tập thể nữ bộ môn Công nghệ môi trường đã được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018. Trong đó, đề tài nghiên cứu “Thu hồi kim loại từ bùn thải của hệ thống xử lý nước mạ điện để sản xuất men màu gốm sứ, vật liệu xây dựng” do chị chủ trì được đánh giá rất cao.

“Khi đi điều tra khảo sát các nhà máy có các dây chuyền mạ điện, tôi thấy bùn thải còn chứa nhiều hàm lượng kim loại như niken, đồng, sắt, chì, kẽm… Trong đó, thành phần niken có hàm lượng lớn, có khi lên tới 20%, do vậy nhóm đã đưa ra ý tưởng tận dụng bùn thải đó để thu hồi kim loại”, PGS.TS Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Với đề tài nghiên cứu này, thay vì bùn thải mạ chứa kim loại sẽ được xử lý như đối với chất thải nguy hại, thì có thể thu hồi kim loại để tận dụng làm men màu gốm sứ với chi phí thấp hơn nhiều lần so với việc sử dụng men thương phẩm đang được sử dụng.

Loại men màu tận thu này đã được thử nghiệm sản xuất lọ hoa, chậu hoa,... ở làng gốm Bát Tràng rất hiệu quả. Sau đó, đề tài còn phát triển thêm phương án, không chỉ làm men màu, mà kim loại tận thu được còn có thể phối trộn vật liệu như gạch lát nền, ...được đánh giá an toàn với môi trường.

Với những ý nghĩa đóng góp lớn cho môi trường, Dự án đã được trao Giải thưởng “Ngày sáng tạo – Hành động vì môi trường” của Ngân hàng Thế giới.

Phụ nữ làm khoa học, càng cần có đam mê

“Phụ nữ làm khoa học, liệu có nhiều khó khăn, áp lực”, trả lời câu hỏi của tôi, PGS.TS Nguyễn Thị Hà nở nụ cười tươi: Để làm được khoa học điều đầu tiên là phải có đam mê, yêu công việc mình theo đuổi, đặc biệt, với phụ nữ lại càng cần điều này

Đi thực địa tại Vĩnh Phúc cùng nhóm sinh viên tham gia dự án hợp tác Asean-Russia.Đi thực địa tại Vĩnh Phúc cùng nhóm sinh viên tham gia dự án hợp tác Asean-Russia.

Bởi làm khoa học có nhiều khó khăn, không phải nghiên cứu nào cũng thành công và thành công ngay. Những chuyến đi thực địa cũng nhiều vất vả. Có chuyến thậm chí cô trò phải trèo tường, “lấy trộm” mẫu…Trong khi đó, phụ nữ vẫn phải giữ vai trò làm vợ, làm mẹ, dành thời gian cho gia đình.

“Khi có đam mê thì sẽ biết cách sắp xếp, cân bằng để có thể vừa theo đuổi được niềm yêu thích, vừa “giữ lửa” được cho tổ ấm, và quan trọng là không nản lòng trước khó khăn. Khi có đam mê thì khó khăn lớn cũng hóa nhỏ, còn ngược lại, nếu không thích thì làm việc rất nhỏ cũng thấy mệt”, PGS.TS Hà chia sẻ.

Để có được gia đình hạnh phúc, kinh nghiệm của PGS.TS Nguyễn Thị Hà là luôn giữ được sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Với chị, vai trò người phụ nữ rất quan trọng. Một tổ ấm không thể thiếu bàn tay vun vén của người phụ nữ.

Tuy nhiên, để có thể làm được những điều đó, rất cần có sự ủng hộ, hậu thuẫn từ phía gia đình. Chị may mắn có được sự ủng hộ hết lòng từ gia đình, đặc biệt là chồng. Cùng học khoa Hóa, yêu nhau từ thời sinh viên, anh hiểu được niềm đam mê và thấu hiểu nỗi vất vả của vợ.

“Chồng tôi ủng hộ tuyệt đối, luôn động viên, sát cánh và không bao giờ ngăn vợ trong việc thực hiện những đam mê. Nhiều sinh viên nữ nói với tôi rằng, mong sau này có cuộc sống gia đình, có thể nuôi dạy con cái ngoan ngoãn giống như cô, điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc”, PGS.TS Hà chia sẻ.

Với những đóng góp của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Hà còn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được vinh danh “Nữ trí thức tiêu biểu 2011-2015”, "Cán bộ khoa học trẻ tiêu biểu", "Tài năng Sáng tạo nữ"... cùng rất nhiều Bằng khen về những đóng góp cho nghiên cứu khoa học và sự nghiệp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước.

Theo Đời sống
Sách là tri kỷ, người yêu bất tử

Sách là tri kỷ, người yêu bất tử

Theo các chuyên gia, sách khoa học có tính hàn lâm cao, kén độc giả. Tuy nhiên, nên coi đọc sách khoa học không chỉ là một sở thích, mà sách chính là hành trang quan trọng cho mỗi người.
back to top