PGS.TS Lê Phước Minh: Thế và vận nước lên thấy rõ

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10-11/9, nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. 

PGS.TS Lê Phước Minh - Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam và PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, từ sự kiện trên có thể thấy vai trò, tầm quan trọng của khoa học, công nghệ (KHCN) góp phần tăng trưởng kinh tế, khẳng định vị thế hội nhập thế giới của nước ta.

PGS.TS Lê Phước Minh - Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam

PGS.TS Lê Phước Minh - Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam

PGS.TS Lê Phước Minh cho rằng, nếu thế hệ trẻ không được đề cao sự đổi mới, sáng tạo, tạo ra những cái mới, rất dễ đi vào vòng luẩn quẩn của một quốc gia không phải công nghiệp hiện đại, mà trở thành công xưởng chế biến cho thế giới. Ví dụ, xuất khẩu chiếc áo trị giá 100 USD nhưng 90% sản phẩm, từ khuy, cúc, máy may sợi chỉ đều nhập.

Tại sao các đồ này không phải “Made in Việt Nam”? Với chiếc áo này, chúng ta nhận được lợi nhuận chủ yếu từ công lao động, còn lại đã khấu hao hết về máy móc thiết bị. Như thế làm sao giàu có được?

KHCN góp phần nâng cao vị thế Việt Nam

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, mở ra cơ hội hợp tác về KHCN với các doanh nghiệp của Mỹ?

PGS.TS Bùi Thị An: Như Thủ tướng đã nói tại cuộc tọa đàm chính sách "Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động" tại Hoa Kỳ mới đây, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden ngày 10-11/9 nâng tầm quan hệ 2 nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong đó, hợp tác KHCN, đổi mới sáng tạo là đột phá. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ cũng nhằm cụ thể hóa tuyên bố chung, trong đó có các lĩnh vực hợp tác về KHCN, đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng

“Chúng ta không thể cứ lẽo đẽo đi sau mà phải đón đầu trong KHCN”, PGS.TS Bùi Thị An.

Hiện, Việt Nam tập trung thúc đẩy, tạo nền tảng vững chắc và những yếu tố đột phá cho tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong trung, dài hạn. Trong đó, có đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…, chú trọng phát triển những ngành mới nổi (như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo - AI, dữ liệu lớn - Big data, chuyển đổi năng lượng xanh, thương mại điện tử…). Điều này cho thấy KHCN rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Vai trò của KHCN cũng có thể thấy rõ khi góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam đứng vững, trở thành “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế toàn cầu?

PGS.TS Bùi Thị An: Sau hơn 2,5 năm trải qua đại dịch COVID-19, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao tình hình và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, như tổ chức Heritage Foundation (Hoa Kỳ) xếp hạng chỉ số tự do kinh tế năm 2023 của Việt Nam là 61,8 điểm, tăng 12 điểm so với năm 2022; thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019 - 2022 (đạt 431 tỷ USD năm 2022). Tạp chí Financial Times nhận định Việt Nam là "một trong 7 nền kinh tế nổi bật trong một thế giới đầy biến động".

Trước hết, để Việt Nam vượt qua đại dịch, giữ được nền kinh tế ổn định, phải nói đến vai trò điều hành vĩ mô. Điều hành vĩ mô rất quan trọng, trong đó có vấn đề điều hành về tài khóa, tín dụng…, ban hành, triển khai thực hiện chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng.

Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nửa nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được những thành tựu không nhỏ, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần củng cố tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Do đó, Việt Nam đứng vững, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Thứ hai, phải nói đến vai trò của KHCN. Chúng ta đang thúc đẩy chuyển đổi số trên 3 trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, công dân số - nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực dịch vụ công, tối ưu hóa hiệu quả và hiệu suất hoạt động của nền kinh tế. Nếu không có KHCN, không thể nào chuyển đổi được.

Vai trò của KHCN là rất lớn. Có thể thấy rõ trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa KHCN vào để đảm bảo việc xuất khẩu nên mới giữ được doanh thu như thế. Chuyện xuất khẩu, doanh thu với ngành nông nghiệp lớn vô cùng và đã được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; truy xuất nguồn gốc, vùng trồng, bảo quản đều dùng KHCN, năng suất cao, đảm bảo xuất khẩu. Vai trò của KHCN trong các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, y học… cũng tương tự.

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của KHCN trong phát triển kinh tế, khẳng định vị thế hội nhập trên thế giới. Nền kinh tế của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, chúng ta đã áp dụng KHCN hiện đại tiếp thu của thế giới áp dụng vào sản xuất nên đã vượt qua khó khăn của thời kỳ phòng, chống dịch COVID-19, trong khi dịch bệnh và một số yếu tố khác làm cho kinh tế nhiều nước trên thế giới suy sụp.

PGS.TS Lê Phước Minh: KHCN có vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có phương pháp tiếp cận về sự đóng góp của KHCN đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Thực tế, phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có nguồn nhân lực. KHCN đóng góp rất nhiều trong việc giáo dục và đào tạo, tạo ra được nguồn nhân lực. KHCN cũng đóng góp về mặt công cụ và giải pháp để có thể phát triển được kinh tế - xã hội. Nếu không, dù có nhân lực tốt nhưng năng suất, chất lượng không cao. Đó là những yếu tố về nguồn cung để tạo ra sản phẩm. Còn bên phía cầu, bản thân KHCN định hướng, đóng góp cho người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, tiết kiệm, hiệu quả hơn, ngày càng xanh hơn. Khi có nhu cầu, nguồn cung sẽ quay trở lại đáp ứng cầu hay nói khác đi, KHCN đóng góp từ đầu cung cho đến cầu của một chu trình phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững.

KHCN còn có vai trò nữa là đóng góp phát triển kinh tế một cách bền vững, bao trùm, theo đúng định hướng như giảm thiểu carbon, chuyển đổi số, kinh tế xanh. Không thể có chuyển đổi số mà không có KHCN về máy tính, điện toán cùng những nghiên cứu tiện ích, tiện dụng cho con người.

Việt Nam cũng nhờ nghiên cứu KHCN mới hội nhập được với thế giới, tham gia được các diễn đàn và có đóng góp chung với xu thế của thế giới trong vấn đề phát triển và tăng trưởng bền vững, đảm bảo môi trường, giảm thiểu phát thải, năng lượng hóa thạch… KHCN giúp Việt Nam tham gia quá trình hội nhập này một cách đúng xu thế, bền vững.

Để áp dụng KHCN vào phát triển kinh tế, không thể thiếu vai trò của các nhà khoa học?

PGS.TS Bùi Thị An: Muốn áp dụng KHCN, đương nhiên phải có vai trò của các nhà khoa học, con người làm khoa học. Họ có trí tuệ mới tiếp thu được KHCN của thế giới, học tập, áp dụng trên thực tiễn của Việt Nam.

Vừa qua, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tôi cho rằng điều này là đúng đắn và cần thiết. Bên cạnh thể chế, luật pháp, chiến lược về con người rất quan trọng, trong đó nhấn mạnh nguồn lực cán bộ khoa học.

Dù có thiết bị hiện đại, con người vẫn là nhân tố quyết định. Do đó, chất lượng nguồn lực con người khoa học có vai trò quan trọng, quyết định việc đóng góp cho sự tăng trưởng ổn định và bền vững, phục hồi nền kinh tế đã bị suy giảm do dịch bệnh COVID-19.

Phải đón đầu trong KHCN

Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những vấn đề lớn phải đối mặt, vai trò của KHCN sẽ giúp giải quyết các vấn đề này ra sao?

PGS.TS Bùi Thị An: Không có một quốc gia nào, trong đó Việt Nam không ngoại lệ, không có KHCN mà mang lại năng suất, chất lượng cao, không thể tăng trưởng bền vững được. Trong giai đoạn này, nhất là khi chúng ta còn đi sau thế giới và khu vực, phải lựa chọn áp dụng công nghệ hiện đại nhất, tất nhiên phải tùy điều kiện.

Chúng ta không thể cứ lẽo đẽo đi sau mà phải đón đầu trong KHCN. Chất lượng sản phẩm phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà công nghệ là khoa học, là trí tuệ. Việc áp dụng những KHCN tiên tiến của thế giới hoặc tự mình nghiên cứu ra trong giai đoạn tới là rất quan trọng, kinh tế mới tăng trưởng bền vững.

PGS.TS Lê Phước Minh: Để KHCN phát huy vai trò hơn nữa, chúng ta vẫn kỳ vọng Chính phủ dành 2% GDP cho nghiên cứu KHCN. Tuy nhiên, thực chất mới đáp ứng được trên dưới một nửa con số này. Tại một số quốc gia, con số dành cho KHCN có thể lên đến 4% hoặc 5% GDP.

Tuy nhiên, nếu chỉ qua thống kê con số mà kết luận ngay thì cũng chưa thỏa đáng. Bởi Việt Nam có những chính sách rất rõ trong việc ngân sách Nhà nước đóng vai trò căn bản, nền tảng, thúc đẩy. Đảng, Nhà nước và Chính phủ còn có chủ trương về xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho KHCN. Tôi cho rằng, bản thân các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm và tham gia vào quá trình này.

Ví dụ, các doanh nghiệp đã thành đạt, có nguồn thu lợi, tích lũy đủ, như các nước là phải thành lập trung tâm nghiên cứu và triển khai KHCN hoặc đầu tư cho đào tạo nhân lực, sáng chế. Đây cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người dân phải dành một khoản cho việc học tập, tham gia các chương trình dự án, theo đuổi đam mê, sáng tạo của mình. Hiện nay đã có điều này. Nếu tính đúng, tính đủ các khoản đóng góp cho phát triển KHCN, con số không chỉ dừng lại ở 1% GDP mà phải lớn hơn.

Chúng ta đã nhận thức khá đầy đủ việc đầu tư cho KHCN có lợi ích trước mắt và lâu dài. Người dân cũng nhận thức rõ khi họ đầu tư cho con em học hành, nghiên cứu là đầu tư có lợi và bền vững.

Hiện Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và tôi rất tán đồng. Việc này rất cần thiết, phải sử dụng kết quả nghiên cứu của nhân loại vận dụng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, nhưng cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa đổi mới, sáng tạo bởi thực chất của nghiên cứu khoa học là tạo ra cái mới.

Tôi xin nêu một ví dụ khác về nghiên cứu khoa học đáng phải suy nghĩ. Chúng tôi làm đề xuất nghiên cứu khoa học, công nghệ như dự toán, chương, mục. Sau đó, đơn vị giám sát kiểm tra sản phẩm nghiên cứu, tài chín rất máy móc, bắt làm cho đúng dự toán ban đầu.

Quá trình nghiên cứu phát hiện không phù hợp, muốn điều chỉnh, thay đổi cấu trúc nghiên cứu, đích đến, nhưng đều không được. Vì thế, nhiều nghiên cứu phải làm theo kế hoạch, dự tính ban đầu, cuối cùng tạo ra sản phẩm được nghiệm thu, nhưng… bỏ vào ngăn kéo do không còn phù hợp. Đó là một nghịch lý còn tồn tại.

Chúng tôi hy vọng, sắp tới có cơ chế, chính sách quản lý, thúc đẩy KHCN để tạo ra xu thế chấp nhận những mạo hiểm, tính đột phá, chỉ chấp nhận những gì đổi mới sáng tạo. Như vậy mới giúp KHCN phát huy vai trò thế mạnh trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, Việt Nam nâng cao vị thế hơn nữa trên trường quốc tế.

Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trò chuyện trên!

Theo Đời sống
back to top