“Lan tỏa” cán bộ sách nhiễu
Ngày 27/5 tại Hội nghị Triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội 12 của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân, có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào thì như một “ông vua con”. Thực trạng này có lâu chưa thưa ông?
Hiện tượng sách nhiễu, cậy quyền, cậy thế, ăn chặn của dân, đòi quà cáp biếu xén, quan cách, bảo thủ… của một bộ phận cán bộ có chức quyền trong bộ máy nhà nước của ta nói chung không phải bây giờ mới được nói đến, mà chỉ là sự nhắc lại. Có thể nói đây là một cảnh báo về sự giảm sút niềm tin và sự tín nhiệm của người dân đối với đội ngũ cán bộ có chức.
Nguyên nhân sâu xa nào cho sự xuất hiện những “ông vua con” đó?
Và tôi đặt câu hỏi thêm, nếu ngày càng xuất hiện nhiều hơn những “ông vua con” trong hệ thống công vụ nhà nước thì sẽ thế nào? Làm rõ câu hỏi này hiện nay, không còn là vấn đề chỉ đưa ra để phân tích có tính lý luận về nguyên nhân nhằm quán triệt quan điểm, nâng cao nhận thức, kích thích “tính nhân trị” trong mỗi cán bộ, đảng viên nữa, mà là chương trình hành động như thế nào để ngăn ngừa một hiện trạng đang ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống toàn xã hội làm mất đi sự tôn nghiêm
Liệu hiện tượng ấy có phổ biến không?
Có lẽ, đã đến lúc không nên đặt vấn đề có phổ biến hay không phổ biến nữa. Với kiểu tư duy “con sâu làm rầu nồi canh” hay “sự thoái hoá, biến chất đó chỉ mang tính cục bộ (một bộ phận nhỏ) còn về cơ bản đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của chúng ta là liêm chính…” như vậy sẽ khó có thể có được một giải pháp hữu hiệu, thậm chí còn dung dưỡng cho sự tồn tại và phát triển của các hiện tượng thoái hoá, biến chất trong lãnh đạo, quản lý.
Nên, dù cho chỉ có một trường hợp, bất luận ở cấp lãnh đạo nào, một khi đã có dấu hiệu (bị phát giác) cũng như có yếu tố cửa quyền, sách nhiễu cũng cần được xác định tính nghiêm trọng của nó, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai.
Đó là vấn đề khá nhạy cảm?
Để trả lời câu hỏi một cách chính xác, khách quan là hiện tượng ăn chặn, cửa quyền của các“vua con” có phổ biến không? Thiết nghĩ cần phải được khảo sát, đánh giá định lượng một cách nghiêm túc… Song, hiện nay vẫn được quan niệm là vấn đề “nhạy cảm”, nên không dễ điều tra, phỏng vấn, xây dựng dữ liệu, để kết luận. Trên bình diện quan sát, cảm nhận qua tâm thế, thái độ của dư luận xã hội và tiếp xúc với người dân thì đây là hiện tượng đang có chiều hướng gia tăng, ngày càng “lan toả” trên diện rộng…
Chân dung “ông vua con”
Tổng Bí thư có nói đến tình trạng “ông vua con”, biểu hiện để nhận diện những người này là gì theo ông?
Nếu vẽ chân dung một “ông vua con” thì biểu hiện đầu tiên là sự “tinh tướng”, “ngạo mạn”, “phách lối”. Quan sát một chút nữa thì nhận thấy có sự hành xử khác nhau khi tiếp xúc với các đối tượng khác nhau: Khi gặp cấp trên thì tỏ ra nhún nhường, nịnh bợ – biểu hiện cơ hội rất rõ. Khi gặp cộng sự, bạn bè, “chiến hữu” và cấp dưới thì “dương dương tự đắc, “chém gió”, “phô trương thanh thế”.
Sâu xa hơn nữa, trong chân dung của các “ông vua con” này là thiếu tính tự trọng, dễ dãi với bản thân, thiếu kiên trì, không cần cù trong lao động, học tập… song lại ham tiền, thích giàu sang, thích hưởng thụ.
Có biểu hiện nào trong đó có thể “thông cảm” được không?
Tôi nghĩ, xét đến cùng, họ là những người “đáng thương” thì đúng hơn là sự “thông cảm”. Bởi thực chất, đó là biểu hiện của những người “yếu” chứ không phải “mạnh”. Họ luôn sống bằng cái vỏ bọc bên ngoài. Bản thân họ cũng ý thức được bên trong sự hào nhoáng đó là sự trống trải, rỗng tuếch, thiếu tự tin nên phải dựa vào thế lực “ô dù” làm cứu cánh….
Tuy nhiên cách biểu hiện của mỗi “ông vua con” là khác nhau. Có người thì tỏ ra lịch lãm, kín đáo hơn, có người thì dễ lộ diện hơn qua các hành xử khi tiếp xúc… điều đó phụ thuộc vào tính cách và điểm xuất phát trở thành những “ông vua con”.
Vì sao thế?
Bởi con đường trở thành những “ông vua con” trong mỗi người là không giống nhau. Có trường hợp là “hậu duệ”, có trường hợp là “chạy chức, chạy quyền”, có trường hợp “do may mắn”, có trường hợp là “nạn nhân”…
“Nên chế tài hoá vai trò người đứng đầu trên cơ sở giao quyền và quy trách nhiệm. Kiện toàn tổ chức bộ máy công quyền trên cơ sở phân cấp theo chức năng và có sự kiểm soát lẫn nhau. Thực hiện phương thức miễn nhiệm, bãi nhiệm và xây dựng văn hoá từ chức trong công tác quản lý cán bộ. Rà xét lại và điều chỉnh chính sách chế độ ưu đãi theo phương thức giảm chi đối với những khoản chi “bất hợp lý” trong chi tiêu công nhằm hạn chế tối đa hình thức chạy chức, chạy quyền để được làm cán bộ.” – TS Vũ Anh Tuấn.
Không chỉ địa phương mới có “ông vua con”
Nói gần nói xa, tóm lại thì do đâu mà xảy ra hiện tượng này?
Tình trạng ăn chặn, vòi vĩnh, đòi quà cáp của dân ở các “ông vua con” bởi thứ nhất là tồn dư của văn hoá tiểu nông cổ truyền, mà biểu hiện rõ nhất là sự thái quá của văn hoá “trọng quan, trọng quyền” trong xã hội phong kiến phương Đông…
Hai là sự lạc hậu về trình độ lực lượng sản xuất và sự nghèo của nền kinh tế, trong đó còn sự ảnh hưởng tàn dư của kinh tế nông nghiệp, làng xã…
Cuối cùng là do thể chế nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, việc ban hành và thực hiện quản lý nhà nước theo hiến pháp, pháp luật chưa nghiêm minh, Bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh với nền công vụ còn thiếu tính chuyên nghiệp.
Đạo đức cán bộ đóng vai trò thế nào?
Về nguyên nhân nhân chủ quan không chỉ do yếu tố đạo đức mà còn do trình độ về chuyên môn cũng như năng lực về lãnh đạo, quản lý chưa ngang tầm… Tôi nghĩ, sự xuất hiện những “ông vua con” này không chỉ có ở các địa phương mà ở các bộ ngành, ban ngành cũng không phải không có, bởi, đã là ăn chặn, vòi vĩnh đòi quà cáp biếu xén thì cho dù là của dân hay của cộng sự cấp dưới đều là một dạng “vua con” cả thôi.
Liệu có cơ chế nào để xử lý những “ông vua con” này?
Đây là câu hỏi khó trả lời nhất. Khó không phải ở phương diện lý luận, quan điểm mà ở thực tiễn trong bối cảnh và thể chế ở nước ta hiện nay. Chúng ta đã có không ít nghị quyết, hội nghị trung ương, không ít các hội thảo khoa học, các công trình nghiên cứu và các bài viết đề cập đến vấn đề này, song hiện tại không những không giảm các ông vua con mà có chiều hướng càng nhiều hơn.
Tôi vẫn nhớ câu mà nguyên bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: ‘Lấy đá đập vào chân mình”. Nên tại thời điểm này, tôi cho rằng, một khi hệ thống quản lý nhà nước trong tiến trình cải cách hành chính không bắt đầu “đột phát từ bên trong” thì mọi lời phát biểu chỉ là hình thức.
Lại là câu chuyện thể chế, lỗi hệ thống?
Một thể chế phải khách quan và minh bạch về các quy định do nhà nước xác lập trong hệ thống văn bản pháp luật mà nhà nước sử dụng để điều chỉnh và tạo ra các hành vi trong mối quan hệ giữa nhà nước với công dân nhằm thiết lập kỷ cương xã hội. Giảm bớt cơ chế quyền lực trong bộ máy công quyền cấp trên bằng giao quyền “tự chủ” cho cơ sở có sự tham gia và giám sát của các tổ chức dân sự…
Trân trọng cảm ơn ông!
Tô Hội (thực hiện)