Mất lớn nhất là sụp đổ niềm tin!

Khaisilk, một thương hiệu nổi tiếng, có uy tín lớn mà còn đánh đổi, còn làm như vậy, thì các thương hiệu khác sẽ thế nào? Có thể nói cái mất lớn nhất là sụp đổ niềm tin”, ông Trần Hùng,

Đừng đánh tráo khái niệm, lừa người dùng

Tâm trạng của ông, một người làm công tác chống buôn lậu, hàng giả thế nào khi nghe tin về vụ việc của Khaisilk?

Hết sức bất ngờ. Tôi cũng từng mua khăn thương hiệu Khaisilk làm quà biếu đi nước ngoài, mà phải là Khaisilk tôi mới mua. Đồng thời là người làm công tác chống hàng giả và gian lận thương mại. Phải nói tôi rất buồn!

Theo như ông Khải trả lời trên báo chí, dù là hàng nhập về từ Trung Quốc (TQ), nhưng không phải là sản phẩm kém chất lượng. Như vậy có thể hiểu, sự sai lệch chủ yếu chỉ là ở nhãn mác, còn về chất lượng, yếu tố quan trọng hơn thì vẫn đảm bảo không, thưa ông?

Câu chuyện này tôi không  nghe trực tiếp nhưng nếu như ông Khải nói, gần 30 năm nay ông lấy hàng TQ, ông nghĩ nó tốt, ông nhập về bán với thương hiệu Khaisilk thì tôi cho rằng ông đang đánh tráo khái niệm, lừa dối người tiêu dùng. Bởi cũng hàng đấy người ta cũng có thể sang TQ mua được, thậm chí bán đầy các chợ. Nhưng người ta nói thẳng đây là hàng TQ, để người tiêu dùng biết mà lựa chọn, đồng thời là sự minh bạch về giá cả.

Đằng này cũng hàng đó, bằng cách quảng cáo, tiếp thị, ông nâng tầm lên nói đây là hàng của Khaisilk, một thương hiệu lớn, vốn nổi tiếng bởi sự đi lên từ nguồn nguyên liệu thuần Việt, có bệ phóng từ sự tin dùng của người Việt, chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng, vậy mà lại lợi dụng lòng tin đó để trục lợi, bán với giá cao thì đó là sự lừa dối.

Tức là không phải là vấn đề tốt hay không tốt, mà cần sự minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ?

Đúng vậy. Giả sử Khaisilk lấy hàng từ TQ sao không nói rõ đây là hàng TQ mà lại gắn mác Khaisilk để đánh lừa người tiêu dùng? Tại sao không nói cái này thương hiệu Khaisilk nhưng do công ty A,B,C TQ sản xuất để người tiêu dùng lựa chọn?

Cũng có những thứ hàng giả còn tốt hơn hàng thật về chất lượng nhưng về mặt quản lý trật tự nhà nước phải kết luận đây là hàng giả để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ví dụ doanh nghiệp A, mãi mới nghiên cứu, quảng bá được một sản phẩm có uy tín chiếm lĩnh trên thị trường. Nhưng một doanh nghiệp lại nhái nhãn mác, bán với giá rẻ hơn để phá hoại cả một thương hiệu thì dù chất lượng có tốt cũng phải xử hàng giả.

Đặc biệt là những sản phẩm truyền thống, trong đó có lụa, hiện thị trường đang bị bóp nghẹt dần vì không đủ sức cạnh tranh với hàng giả giá rẻ. Để làm ra một sản phẩm lụa thủ công, tốn rất nhiều công sức. Vậy mà bị nhái, làm giả, bán với giá rẻ hơn thì không thể cạnh tranh nổi.

Đáng quý nhất là thương hiệu

Chiếc khăn lụa vừa có mác “made in Vietnam” vừa có mác “made in China” – Ảnh: ĐẶNG NHƯ QUỲNH – TT.

Như vậy, Khaisilk có phạm tội buôn bán hàng giả không, thưa ông?

Không thể kết tội một cách hồ đồ có tội hay không mà phải  dựa theo quy định văn bản pháp luật của nhà nước. Nhưng chiếu theo nghị định 185 và sửa đổi 124 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cá nhân tôi thấy rằng hàng TQ nhập về, “made in China” ông cắt nhãn mác đi gắn mác Khaisilk, “made in Vietnam” thì là giả mạo về xuất xứ nguồn gốc. Theo quy định thì đây là hàng giả. Và  các cơ quan chức năng phải khẩn trương xác minh làm rõ theo đúng quy định về hàng giả và sở hữu trí tuệ.

Theo như ông Khải trả lời báo chí, ông thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại TQ vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa TQ về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ nguồn gốc xuất xứ. Ông nhận xét gì về cách lý giải trên?

Ông Khải nói thế tôi không đồng ý. Ví dụ thương hiệu Adidas khi sản xuất ở Việt Nam phải ghi rõ là “made in Vietnam” vì giá bán sẽ khác khi “made in USA” chứ. Cái đáng quý nhất của doanh nghiệp là thương hiệu và uy tín, mất hai cái đó là mất hết. Càng thương hiệu nổi tiếng thế giới họ lại càng giữ gìn thương hiệu. Vì vậy sự trung thực là rất quan trọng. Các thương hiệu lớn không có chuyện đi đặt hàng gia công ở một nước nào khác mà không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Khải thừa nhận, việc nhập hàng TQ ông đã làm gần 30 năm nay rồi. Vậy theo ông, vì lý do gì khiến một thương hiệu lớn như thế vẫn không bị phát hiện ra lỗi, có phải do luật chúng ta còn khe hở?

Luật của ta đầy đủ hết, chẳng có khe hở nào cả. Bản thân tôi cũng ngạc nhiên, bất ngờ. Nếu là cắt mác, một sự đơn giản, “thô thiển” như thế thì chẳng đợi đến 30 năm mới phát hiện ra. Còn nếu không, thì vì lý do gì sai phạm đã tồn tại trong cả một thời gian dài như thế? Nên tôi cứ phân vân, đặt câu hỏi về việc này. Và tôi cho rằng cũng là câu hỏi để các cơ quan điều tra phải làm rõ.

Ngay trong thời điểm này, theo ông, cơ quan điều tra cần làm gì?

Theo tôi, cơ quan chức năng cần tổng kiểm tra lại toàn bộ nguồn gốc xuất xứ cũng như nguyên liệu sản xuất xem bao nhiêu năm nay Khaisilk đã nhập hàng như thế nào, làm rõ có xưởng sản xuất không, nhập khẩu gia công hay là lấy nguyên liệu từ các đơn vị nào… Nguồn gốc xuất xứ sản phẩm phải công khai minh bạch. Và việc chỉ đạo kịp thời của Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa rồi tôi cho là rất kịp thời, quyết liệt, được lòng dân.

Mất lớn nhất là sụp đổ niềm tin

Bản thân ông Khải cũng đã cúi đầu nhận lỗi, xin lỗi khách hàng, sẵn sàng đền bù. Bất cứ ai cũng có thể gặp sai lầm, theo ông, dư luận có nên “nương nhẹ” để ông ấy rút kinh nghiệm, xây dựng lại thương hiệu hay không?

Để có được sự thông cảm từ người tiêu dùng, việc nhận lỗi, đền bù… là cần thiết. Tuy nhiên, với tôi, đây là vụ việc quá buồn. Dư luận sẽ đặt ra câu hỏi: Một thương hiệu tầm cỡ, được người tiêu dùng ghi nhận, nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước mà còn đánh đổi, còn làm như vậy, thì các thương hiệu khác sẽ thế nào? Có thể nói là sự sụp đổ niềm tin vào thương hiệu Việt. Cái mất lớn nhất là mất niềm tin. Mà mất niềm tin là cái đáng buồn nhất.

Cũng có thể do ông Khải bận bịu, mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, ẩm thực, du lịch… mảng lụa tơ tằm chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong doanh thu của tập đoàn và ông đã không chú tâm đầu tư, phát triển, như ông ấy giải thích, từ đó có thể thông cảm không?

Tôi thì cho rằng, nói tới Khải, người ta không nói tới Khải bất động sản, hay Khải xe ô tô… mà là Khải silk. Chữ silk là tơ lụa, là thương hiệu của ông rồi. Cho nên, cá nhân tôi không chấp nhận cách giải thích như vậy.

Để lấy lại niềm tin với người tiêu dùng, theo ông có khó không, không chỉ đối với vụ việc Khaisilk?

Ở cương vị là người làm công tác chống hàng giả tôi sẽ kiến nghị với Bộ trưởng tăng cường kiểm tra kiểm soát, thậm chí phải tổng kiểm tra chỉ đạo toàn quốc, phải xem xét không phải chỉ những hàng giả tràn lan bày bán trên vỉa hè, lòng đường mà cả các khách sạn 5 sao. Khaisilk là bài học kinh nghiệm hết sức đáng giá cho các cơ quan chức năng trong việc phối kết hợp từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến khi lưu thông ra thị trường. Có như vậy mới lấy lại được niềm tin trong nhân dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Một doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Khách sau khi nhận hàng thì phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “made in China”.  Kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, khách hàng cho biết phát hiện dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “made in China”. Ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu đã trả lời báo chí, thừa nhận việc có bán khăn lụa Trung Quốc gắn mác Khaisilk.

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top