Ông Lê Hòa Bình: Lãnh đạo TP.HCM không muốn kéo dài giãn cách

Lãnh đạo thành phố cam kết xem tính mạng người dân là trên hết, thành phố đánh giá an toàn đến đâu, mở cửa đến đó", ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ.
  • Lên sóng livestream tối 13/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình giải đáp những băn khoăn của người dân về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế tại địa phương sau ngày 15/9, nhất là khi việc giãn cách xã hội kéo dài, dự kiến hết tháng 9.
  • Buổi livestream có hơn 22.000 người xem cùng lúc, giải đáp được 6 nhóm câu hỏi liên quan các vấn đề định hướng của thành phố sau 15/9; có duy trì giãn cách sau 30/9 nếu chưa kiểm soát được dịch; hoạt động công trình xây dựng; tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giấy đi đường; gói an sinh xã hội.
Phó chủ tịch TP.HCM đối thoại về kế hoạch phục hồi kinh tế sau 15/9 Tối 13/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đối thoại trực tuyến về kế hoạch chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế của TP sau ngày 15/9.

Shipper được chạy liên quận từ 16/9, được miễn phí xét nghiệm đến hết 30/9

Trả lời câu hỏi về lộ trình nới lỏng sau 16/9, ông Lê Hòa Bình cho biết thành phố đã có dự thảo, cơ bản lộ trình đã được chốt. Chiều 14/9, Ban Chấp hành Đảng bộ TP sẽ có nghị quyết thông qua. Sau ngày 16/9 đến 31/10, TP sẽ có thêm 1 giai đoạn (16-30/9) là giai đoạn thử nghiệm thí điểm đối với quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ để chuẩn bị công đoạn đầy đủ cho các bước tiếp theo.

Để chuẩn bị, ông Bình cho biết ngày 7/9, TP đã có bước chuẩn bị và có quyết định 2994, điều chỉnh 5 nội dung, trong đó có việc di chuyển hàng hóa, đảm bảo mở lại cửa hàng bán mang về, điểm trung chuyển tại chợ đầu mối…

Chia sẻ cá nhân là người hay đặt hàng qua shipper, ông Bình cho biết từ ngày 16/9, thành phố sẽ cho phép shipper chạy liên quận với nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm cho shipper tới hết 30/9.

TP.HCM có tiếp tục giãn cách sau 30/9?

Gửi câu hỏi tới lãnh đạo TP, người dân bày tỏ tâm tư khi TP.HCM không đạt được kế hoạch kiểm soát dịch trước 15/9 và đặt câu hỏi TP liệu có tiếp tục giãn cách sau 30/9.

Ông Lê Hòa Bình (giữa) trong chương trình livestream tối 13/9. Ảnh: Thu Hằng.
Ông Lê Hòa Bình (giữa) trong chương trình livestream tối 13/9. Ảnh: Thu Hằng.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đây cũng là trăn trở của lãnh đạo thành phố, cũng như những chuyên gia, doanh nghiệp. Trong Nghị quyết 86 của Thủ tướng có yêu cầu phấn đấu đến 15/9, TP.HCM phải kiểm soát được dịch. Với nỗ lực của hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của tất cả tỉnh, thành phía Bắc, lực lượng quân sự, công an và tình nguyện hỗ trợ, TP đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác kiểm soát dịch. Sau ngày 15/9, TP cần đánh giá lại các tiêu chí về kiểm soát dịch, trong đó có những nội dung phải xem xét và điều chỉnh.

Về việc TP.HCM có tiếp tục giãn cách sau ngày 30/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết lãnh đạo TP không muốn phải tiếp tục kéo dài giãn cách nên mọi biện pháp, sự chuẩn bị với 3 đơn vị hành chính đã công bố kiểm soát dịch (quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ - PV) sẽ là cơ sở quan trọng, để xem bước đi đã an toàn chưa. Sau đó, TP sẽ có những bước đi tiếp theo.

"Chúng tôi cũng là người dân TP và hiểu những mất mát, kể cả tính mạng của những người chẳng may mắc Covid-19. Với tất cả nỗ lực cùng kết quả đã đạt được, chúng tôi có một niềm tin là sẽ kiểm soát được dịch và tái thiết lại kinh tế của TP.HCM", ông Lê Hòa Bình nói và cho biết mọi bước đi của TP.HCM thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, sau đó là khôi phục và phát triển kinh tế.

Không thể thực hiện được "zero Covid-19"

Về kế hoạch phòng chống dịch và khôi phục kinh tế sau ngày 15/9, ông Bình cho biết TP.HCM có 11 kế hoạch và chiến lược đầy đủ, trong đó đảm bảo các vấn đề liên quan phòng, chống dịch và điều trị người mắc Covid-19.

Dẫn lời các chuyên gia, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định khái niệm "zero Covid-19" không thể thực hiện được. Do đó, trên cơ sở đánh giá lại các biện pháp sau ngày 15/9, TP.HCM sẽ lên kế hoạch để vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.

"Chúng ta cũng phải đổi phương thức sinh hoạt, sản xuất. Đó là trực tuyến, là đảm bảo kết nối cung cầu. Và điều quan trọng trong khi xây dựng kế hoạch chống dịch là phải có 2 trụ cột quan trọng: Độ phủ vaccine và mức độ an toàn của ngành y tế", ông Bình nói.

"Bà con ở đâu nên ở đó"

Trước câu hỏi về việc cho phép người dân về quê, ông Bình nói: “Là thành phố nghĩa tình, TP.HCM không phân biệt người dân là diện thường trú hay di trú, là người làm ăn sinh sống... Chúng tôi rất trân quý. Bằng những gì tốt nhất có thể làm, thành phố sẽ nỗ lực hỗ trợ người khó khăn trong thời gian đang cách ly”.

Ông Lê Hòa Bình mong người dân chia sẻ khó khăn của thành phố, tuân thủ nguyên tắc chống dịch "ai ở đâu ở đó", đảm bảo dịch không lây lan, tính mạng bà con không bị đe dọa.

Phó chủ tịch TP.HCM khẳng định thành phố rất sẵn sàng hỗ trợ người dân có nhu cầu về quê. Tuy nhiên phải giữ nguyên tắc “Có người đưa đi phải có người đón về”, tức là chỉ cần địa phương của người dân xác nhận đón người hồi hương, TP sẽ hỗ trợ các vấn đề vaccine, xét nghiệm để bà con di chuyển. Còn nếu không có người đưa đi và đón về thì người dân không được qua chốt kiểm soát.

“Trong điều kiện giãn cách, bà con nên ở đâu ở đó”, ông Bình chia sẻ.

8 bộ tiêu chí cho 8 ngành

Trả lời câu hỏi về tiêu chí đánh giá mức độ an toàn khi TP có chủ trương mở cửa cho doanh nghiệp an toàn, điểm đến an toàn, người dân an toàn, Phó chủ tịch TP.HCM cho biết TP sẽ xây dựng bộ 8 tiêu chí của 8 ngành là công thương, du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng, lao động, thương binh, xã hội. Bộ tiêu chí này sẽ hoàn thành trước 16/9. Nếu các doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí đó thì sẽ được đánh giá là sản xuất an toàn.

Đồng thời, doanh nghiệp phải duy trì phương thức sản xuất được TP vận hành là: 3 tại chỗ, 1 cung đường - 2 điểm đến, 4 xanh…

“Bộ tiêu chí này sẽ triển khai thí điểm đến ngày 30/9 ở địa phương đã công bố kiểm soát dịch, có thể mở rộng thêm ở khu chế xuất Tân Thuận và khu công nghệ cao”, ông Bình nói và cho biết trong thời gian thí điểm, nơi nào đảm bảo an toàn thì TP không ngại để tiếp tục tạo điều kiện mở cửa.

Khi nào TP.HCM phát tiền trong gói trợ cấp thứ 3?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Hòa Bình cho hay thành phố không lường trước được. Do đó, hiện thành phố phải rất thận trọng trong giai đoạn sau 16/9 tới.

Ban đầu, TP.HCM đặt mục tiêu cố gắng chi trả hết gói thứ 2 chậm nhất đến mốc 6/9. Tuy nhiên, thành phố hiện chưa đạt mục tiêu này, và đang cố gắng hỗ trợ hết gói này sớm nhất.

Ông Bình cho biết việc trao gói hỗ trợ gặp khó khăn nhất tại các huyện, xã, thị trấn. Thành phố rất muốn trao nhanh nhất qua tài khoản, tuy nhiên có nơi đáp ứng có nơi không.

Vừa qua, có nơi, các địa phương phải phối hợp chuyển tiền hỗ trợ theo 2 phương thức trao tận tay và cả chuyển khoản. Rút kinh nghiệm này, thành phố sẽ tính toán lại.

Về gói hỗ trợ thứ 3, ông cho biết nhóm đối tượng của gói này là tất cả người khó khăn, không phân biệt tạm trú hay thường trú, lao động mất việc, người phụ thuộc. Lần này, TP hỗ trợ theo đầu người thay vì từng hộ. Một mặt, TP kiến nghị hỗ trợ từ Trung ương, một mặt tính toán nguồn ngân sách của TP. Sau khi được Ban Chấp hành Đảng bộ thông qua, TP sẽ tính toán chi trả cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Dự kiến, việc hỗ trợ kéo dài trong 2 tháng. Ngoài hỗ trợ bằng tiền mặt, TP duy trì 2 triệu gói an sinh.

Các công trình xây dựng thi công trở lại sau 30/9

Thông tin về việc xây dựng công trình đô thị, ông Bình cho biết sau ngày 30/9, các công trình chắc chắn sẽ hoạt động trở lại nhưng hoạt động theo đúng bộ tiêu chí về an toàn đã được thành phố xây dựng và sẽ ban hành thời gian tới.

Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội, TP vẫn duy trì thi công các công trình trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2 bằng cách thức thi công “3 tại chỗ” và cầu sẽ chính thức hợp long vào ngày 15/9, dự kiến hoàn thành vào 30/4 năm sau. Một số công trình giao thông như Metro 1 vẫn được thi công bình thường.

“Không phát triển, xây dựng đô thị thì cũng không có cơ sở vật chất gì để phát triển thành phố. Vì TP.HCM trên 62% thương mại dịch vụ, mà hạ tầng dịch vụ gắn với xây dựng”, ông Bình lý giải. Đồng thời, TP.HCM cũng chỉ đạo 3 đơn vị hành chính đã kiểm soát được dịch phải đăng ký các công trình vốn đầu tư công, ngoài vốn đầu tư công mà đảm bảo trong vùng xanh để tổ chức thi công lại theo bộ tiêu chí an toàn. Việc này sẽ được hướng dẫn cụ thể và thực hiện sau ngày 30/9.

Ngoài công trình giao thông trọng điểm, ông Bình cho biết TP còn lên kế hoạch để tiếp tục thi công các công trình đầu tư công, công trình nhà ở.

“Nhân điều kiện này, chúng ta phải sắp xếp lại nhà cho công nhân thuê. Sở Xây dựng trước đây cũng có hướng dẫn xây dựng nhà cho công nhân thuê nhưng chưa thực hiện được sâu, thì nhân việc này chúng ta sẽ thực hiện”, ông Bình nói.

Trước khi khép lại buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nói ông rất chia sẻ khi người dân thành phố đón nhận thông tin kéo dài giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 thêm 2 tuần. "Đã buồn, đã rơi nước mắt nhiều" và đi qua chặng đường đáng khích lệ, ông Bình mong bà con, cô bác chia sẻ khó khăn thêm một thời gian nữa.

"Lãnh đạo thành phố cam kết xem tính mạng người dân là trên hết, thành phố đánh giá an toàn đến đâu, mở cửa đến đó. Xin bà con hãy thêm nỗ lực, cố gắng, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để cùng chính quyền thành phố vượt qua khó khăn trong thời gian tới”, Phó chủ tịch Lê Hòa Bình nói.

Theo zingnews.vn
Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Sản phẩm Bath Gel - MM Professional (chai 35ml, số lô 19/10/2023; ngày sản xuất 19/10/2023) của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mỹ Nguyên (Công ty Mỹ Nguyên) bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc.
back to top