Cụ thể, các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty và các công ty con đã tồn tại từ năm 2014 đến nay.
Các khoản nợ này đều liên quan đến thời kỳ của các lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, hầu hết không có tài sản đảm bảo và khó thu hồi.
Tổng giá trị nợ xấu lên tới hơn 2,550 tỷ đồng. Trong danh sách có một số khoản hơn 400 tỷ đồng, còn lại phổ biến từ vài trăm triệu đồng đến dưới 10 tỷ đồng.
Ocean Group đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thu hồi vốn nhưng không hiệu quả. Do đó, doanh nghiệp dự kiến đưa các khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng trên ra theo dõi ngoại bảng cho năm tài chính 2021 và các năm tiếp theo, làm cơ sở để lập và trình bày các báo cáo tài chính.
Việc theo dõi ngoại bảng này sẽ ghi nhận giảm các khoản phải thu và giảm các khoản dự phòng phải thu khó đòi tương ứng trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2021.
Công ty đã xóa một số khoản nợ cho các cá nhân đang thi hành án và tìm đối tác bán nợ nhưng không hiệu quả, do đó, đến nay Ocean Group vẫn chưa lập và phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Điều này dẫn đến việc cổ phiếu của công ty mới bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch. Theo đó, từ ngày 9/6, cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào buổi chiều bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Ban lãnh đạo công ty cho rằng việc xóa nợ xấu ra khỏi báo cáo tài chính để theo dõi riêng là động thái cần thiết, làm cơ sở để lập và phát hành báo cáo tài chính kiểm toán theo quy định. Từ đó, có thể giúp cổ phiếu Ocean Group thoát khỏi diện bị hạn chế giao dịch.