Ô tô làm hư hỏng công trình giao thông có được bảo hiểm chi trả thay?

Nhiều vụ tai nạn không chỉ gây thiệt hại về người mà còn làm hư hỏng công trình giao thông và chủ xe bị đơn vị quản lý đường yêu cầu bồi thường.
 

Ô tô làm hư hỏng công trình giao thông có được bảo hiểm chi trả thay? 1

Khi tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự, trường hợp chủ xe gây tai nạn khiến hạ tầng giao thông bị hư hỏng sẽ được bảo hiểm bồi thường thiệt hại tối đa 100 triệu đồng. Ảnh minh họa

Anh Nguyễn Văn Nam (trú tại Hải Phòng) hỏi: Cách đây 1 tháng, tôi gặp một vụ tai nạn, tài xế xe bồn chở xăng dầu lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bất ngờ bốc cháy, may mắn tài xế thoát ra ngoài an toàn nhưng vụ tai nạn khiến hạ tầng giao thông cao tốc này bị hư hỏng nặng. Vậy trong trường hợp này, lái xe sẽ bị xử lý như thế nào? Và bảo hiểm có bồi thường hay không?

Tài xế gây tai nạn làm hư hỏng hạ tầng giao thông chịu trách nhiệm dân sự

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP luật sư Tinh Thông luật) cho biết, thiệt hại về tài sản trong vụ án giao thông để tính mức truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) phải là thiệt hại cho người khác và kèm yếu tố lỗi, nghĩa là người đó phải vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Còn trong trường hợp gây ra thiệt hại nhưng không phải do lỗi vi phạm Luật giao thông đường bộ thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự.

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm đặc biệt bởi lẽ thiệt hại xảy ra không phải do hành vi và do lỗi của con người mà do hoạt động của những sự vật mà hoạt động của chúng luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại.

Mặc dù chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ có thể không có lỗi đối với thiệt hại nhưng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, pháp luật vẫn buộc họ có trách nhiệm bồi thường.

Điều 601, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định...”.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: (i) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; (ii) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới.

Mức bồi thường thiệt hại căn cứ vào kết quả giám định thiệt hại thực tế.

Ô tô làm hư hỏng công trình giao thông có được bảo hiểm chi trả thay? 2

Xe bồn cháy trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gây hư hỏng hạ tầng giao thông. Ảnh: VIDIFI

Bảo hiểm bồi thường thiệt hại tối đa 100 triệu đồng

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Xuân, Công ty TNHH dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho biết, khi chủ phương tiện tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, trong trường hợp lái xe gây tai nạn làm hư hỏng hạ tầng giao thông, bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên thứ 3 (tức là hạ tầng giao thông trong trường hợp này), dựa trên kết quả giám định thiệt hại thực tế nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/một vụ tai nạn.

Tuy nhiên, Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau: Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới; lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe...

Theo xe.baogiaothong.vn
Wuling Bingo về Việt Nam có gì cạnh tranh Vinfast VF5?

Wuling Bingo về Việt Nam có gì cạnh tranh Vinfast VF5?

Wuling Bingo của TMT Motors có vẻ đang mang đến sự tích cực về mặt truyền thông với hàng loạt trang bị và công nghệ. Liệu "canh bạc" này có bị đối thủ VinFast VF5 "đánh bại" trong phân khúc SUV hạng A tại Việt Nam?
back to top