Loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Một trong những mục tiêu tổng quát mà Chiến lược này đưa ra là có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường; người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hình thành văn hóa giao thông an toàn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông; triển khai kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông…
Theo nhiều chuyên gia, khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay. Trong quá trình hoạt động đó thì các phương tiện giao thông đã thải ra môi trường bên ngoài rất nhiều loại khí độc hại như CO, CO2, NO2, những loại khói đen… Tùy theo từng loại động cơ và nhiên liệu mà khối lượng các chất thải độc hại chiếm tỷ lệ khác nhau trong khí xả. Những loại khí này gây ô nhiễm môi trường không khí một cách nghiêm trọng đồng thời ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Theo số liệu tại một số trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tỷ lệ xe ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải trong lần kiểm định đầu tiên ở mức từ 8% đến trên dưới 10%. Phần lớn xe bị trượt là xe sử dụng nhiên liệu diesel, trong đó khá nhiều xe được sản xuất trong giai đoạn ngay trước và sau năm 2000.
Còn tại TPHCM, bình quân mỗi ngày có một chiếc xe không đạt chuẩn khí thải. Một kiểm định viên cho biết các dòng xe sử dụng dưới 10 năm thì rất khó bị trượt khí thải, trừ khi xe bị lỗi máy, ngập nước. Còn các xe sản xuất khoảng năm 2000 dễ bị trượt khí thải dù các hạng mục khác như phanh, hệ thống lái… đều đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Thậm chí có xe không đạt sau cả ba lần kiểm tra.
Hiện tại các xe ô tô được sản xuất trong giai đoạn 1999 - 2008 đang được áp dụng đánh giá về khí thải theo tiêu chuẩn mức 1 của Tiêu chuẩn khí thải quốc gia TCVN 6438:2018. Còn từ 01/01/2021 bắt đầu áp theo tiêu chuẩn mức hai, mức cao hơn so với mức một.
Đây cũng là mức đã áp dụng từ năm 2020 đối với nhóm xe ô tô được sản xuất trong giai đoạn từ sau năm 2008. Việc nâng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Với mức tiêu chuẩn mới này, xe ô tô sản xuất trong giai đoạn từ năm 1999 - 2008 phải đạt tiêu chuẩn khí thải cao hơn một mức so với hiện nay. Nếu xe thuộc nhóm này không quan tâm, bảo dưỡng tốt thì nguy cơ trượt sẽ cao hơn.
Nguy cơ gia tăng số lượng xe không đạt chuẩn khí thải
Kinh nghiệm từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, năm 2019 (trước khi nâng chuẩn), tỷ lệ xe dùng nhiên liệu diesel sản xuất từ sau năm 2008 không đạt tiêu chuẩn khí thải (trong lần kiểm tra thứ nhất) là 6,5%, sang năm 2020 giảm xuống còn 6,3%; còn xe sử dụng xăng ở mức độ tương đương (0,7%). Trong khi đó, tỷ lệ không đạt đăng kiểm khí thải lần đầu của xe sản xuất trong giai đoạn 1999 - 2008 cũng giảm 0,2 - 0,3%.
Do vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định, nguy cơ gia tăng số lượng xe không đạt chuẩn khí thải mới là hiện hữu. Bởi đây là nhóm xe hiện có tỷ lệ không đạt khí thải cao nhất so với các nhóm còn lại (sản xuất trước hoặc sau thời gian trên).
Trong gần 9 tháng đầu năm 2020, trung bình có 12,9 xe/100 xe ô tô chạy bằng diesel không đạt chuẩn khí thải, còn xe dùng xăng là 4,5 xe/100 xe. Do đó, khi áp dụng tiêu chuẩn cao hơn, đòi hỏi chủ phương tiện phải sửa chữa, khắc phục mới đáp ứng được chuẩn để được cấp chứng nhận đăng kiểm.
Vừa qua, trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, Bộ GTVT đề xuất áp dụng tiêu chuẩn về phép thử và giới hạn chất gây ô nhiễm có trong khí thải tương ứng với mức Euro 5 được Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên Hợp Quốc quy định. Dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2021.