Nút coil và đặt stent “cứu” phình động mạch chủ bụng

(khoahocdoisong.vn) - Phình động mạch chủ bụng thường liên quan đến những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, tăng huyết áp, tiểu đường... Bệnh không có triệu chứng nhưng vỡ sẽ gây tử vong nhanh chóng nên cần nhận biết và điều trị sớm.

Ông N.T.N. (73 tuổi, Quảng Ninh) bị bệnh động mạch chủ bụng nhưng nhiều nơi từ chối điều trị đến khi ông bị đau bụng đột ngột nhập Viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí mới được chỉ định can thiệp bít coil làm tắc động mạch chậu trong bên phải và đặt stent graft động mạch chủ chậu 2 bên để tránh vỡ, nguy hiểm tính mạng.

BSCKI Nguyễn Đức Hoành, Trưởng khoa Phẫu thuật Can thiệp Tim mạch và Lồng ngực cho biết, động mạch chủ bụng là mạch máu lớn, cung cấp máu cho phần bụng, vùng chậu và 2 chân. Động mạch chủ bụng có đường kính bình thường khoảng 20mm, khi đường kính từ 30mm trở lên gọi là phình động mạch chủ bụng. 

Nếu phình động mạch chủ bụng bị vỡ, xuất huyết nội nghiêm trọng xảy ra thường gây tử vong.

Can thiệp phình động mạch chủ bụng cho bệnh nhân.

Can thiệp phình động mạch chủ bụng cho bệnh nhân. 

Trường hợp bệnh nhân N., trên hình ảnh chụp CT.Scanner cho thấy động mạch chủ bụng có xơ vữa kích thước 5mm, đoạn dưới động mạch thận phình 27mm, động mạch chậu gốc 2 bên phình hình thoi với độ phình đường kính là 40mm và 38mm cùng nhiều đoạn xơ vữa. Với những tổn thương như vậy thì để ổn định dòng chảy của máu và ngăn ngừa nguy cơ vỡ động mạch chủ bụng, phương án tối ưu được đưa ra là tiến hành can thiệp bít coil làm tắc động mạch chậu trong bên phải và đặt stent graft động mạch chủ chậu 2 bên cho người bệnh.

Với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại trong can thiệp mạch là máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA cùng việc làm chủ kĩ thuật của các bác sĩ, sau khoảng 45 phút ca can thiệp diễn ra thành công. Sau can thiệp sức khỏe người bệnh ổn định. 

BSCKI Nguyễn Đức Hoành khuyên, khi phát hiện có phình động mạch chủ bụng thì quan trọng nhất là theo dõi tốc độ thay đổi kích thước túi phình để có quyết định can thiệp kịp thời. Khi nghi ngờ có dấu hiệu dọa vỡ (đột ngột đau bụng dữ dội ở vùng bụng hoặc lưng, đau có thể lan xuống bẹn, mông và chân; Bụng gồng cứng; Buồn nôn và nôn; Toát mồ hôi; Tim đập nhanh; huyết áp tụt...), người bệnh cần được phẫu thuật hoặc can thiệp cấp cứu, tránh khối phình vỡ sẽ dẫn đến tử vong.

Nút coil và đặt stent graft động mạch chủ là một kỹ thuật ít xâm lấn, có đường mổ tại đùi. Trong quá trình thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ, trong trạng thái tỉnh táo hoàn toàn. Từ đường mổ ở đùi, bác sĩ sẽ sẽ luồn dụng cụ vào mạch máu lên đến vị trí khối phồng. Stent graft đặt vào sẽ giúp máu không lưu thông vào khối phình nữa. Coil sẽ nút bít túi phình bằng vòng xoắn kim loại dưới hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Đặc biệt, đây là một phương pháp can thiệp hiện đại, ít có biến chứng, hay ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể và có thời gian hồi phục ngắn hơn so với phẫu thuật mổ mở.

Theo Đời sống
back to top