Chị Bùi Thị Bích Ngọc, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa3e lựa chọn khởi nghiệp bằng việc nghiên cứu các loại nước tẩy rửa sinh học từ vỏ dứa, cam, chanh, bưởi...
Chất tẩy rửa đa năng này thực chất là enzym sinh học an toàn với sức khỏe và thân thiện với môi trường. Sau 2 năm với hàng chục lần nghiên cứu thử nghiệm thất bại, Ngọc đã chính thức đưa ra thị trường 4 dòng sản phẩm nước lau sàn, nước rửa chén bát, nước rửa tay và enzym mang thương hiệu Fuwa3e.
Hiện, sản phẩm nước tẩy rửa bằng công nghệ lên men enzym sinh học của Ngọc đã được Viện Pasteur TPHCM công nhận tỷ lệ diệt khuẩn đạt 98%, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.
Người dân cũng có thể tự làm nước tẩy rửa tại nhà bằng cách đơn giản. Cho vỏ trái cây, rau củ các loại vào bình - nén chặt, cho ít vỏ thơm (dứa) vào sẽ giúp dung dịch có mùi dễ chịu hơn. Sau đó cho nước sạch và 1 cốc nước mía vào bình rồi đậy kín nắp. Có thể thay nước mía bằng một khúc mía, mắt mía chẻ ra hoặc đường thô. Để hơn 1 tháng, các vi sinh vật sẽ lên men và chuyển hóa vỏ trái cây, rau củ tạo hàm lượng cồn nhẹ có khả năng tẩy rửa đồ dầu mỡ. Nước này có thể dùng thay cho nước giặt, rửa chén, lau nhà, vệ sinh, tắm - gội... Sau quá trình lên men này, các vi sinh vật sẽ tiếp tục phân hủy vỏ - trái cây lắng đọng dưới đáy chuyển hóa hoàn toàn thành chất vô cơ.
Khi thực hiện cần sử dụng bình nhựa mềm. Nếu dùng bình nước suối, bạn phải theo dõi khi thấy bình căng thì vặn nhẹ nắp cho khí xì bớt, giúp cân bằng áp suất, tránh nổ. Nếu dùng bình nhựa 10l thì khí bên trong tự xì ra được, không cần xì nắp. Không dùng nguyên liệu đã bị hư thối. Việc tận dụng công nghệ enzym này giúp người dân bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, đồng thời cũng đỡ một khoản chi phí nhỏ.
Hà Bình