Nước biển không bỗng dưng chuyển màu

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, chỉ có một vài nguyên nhân khiến nước biển chuyển màu như tảo nở hoa, ô nhiễm do chất thải xả thẳng ra biển, tràn dầu…

Nước biển màu đen, bọt vàng

Nước biển ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) hiện đang có màu đen, nổi bọt vàng bất thường khiến người dân lo lắng. Theo người dân, hiện tượng này xảy ra khoảng một tuần và có biểu hiện lan rộng. Lúc đầu, những hộ dân buôn bán tại bãi biển nghi đây là dầu loang từ tàu vận tải nặng cả trăm nghìn tấn trôi dạt vào bờ biển từ đợt bão số 5. Tuy nhiên, nước không có mùi dầu. Dù không biết nguyên nhân nhưng người dân rất lo lắng bởi chưa từng thấy hiện tượng tương tự trước đây.

Đại diện Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Bình Sơn cho biết sáng 4/12 đã cử cán bộ đến kiểm tra và lấy mẫu nước biển về phân tích. Bước đầu có thể khẳng định nước biển đen không phải do dầu. Sau khi phân tích sẽ tiếp tục gửi mẫu nước đến các cơ quan chuyên môn cao hơn để kiểm tra chính xác nguyên nhân. Theo quan sát, khu vực biển này gần cụm cảng nước sâu của Khu kinh tế Dung Quất, nơi có nhiều công ty công nghiệp nặng như Nhà máy thép Hòa Phát, Công ty công nghiệp nặng Doosan, Nhà máy đóng tàu Vinashin...

PGS.TS Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học phục vụ đời sống và sản xuất cho biết, trước đây cũng có nhiều vụ việc nước biển bỗng dưng có màu lạ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thường xảy ra là do tảo nở hoa, làm nước trở nên đỏ, thủy sản chết nhiều. Tuy nhiên theo quan sát ảnh chụp thì đây không phải là màu nước tạo ra bởi tảo, cũng không phải nước nhiễm dầu vì nước nhiễm dầu có màu đen và mùi dầu rất đặc trưng. “Nhiều khả năng đây là màu nước ô nhiễm do xả thải của các nhà máy gần đó. Chỉ có các loại chất thải, với mức quá lớn, mới tạo  nên một màu vàng nhờ nhờ lẫn sủi bọt giống như ở các cống nước thải như vậy”, PGS.TS Dương Đức Tiến cho biết.

Về cơ bản, biển có chức năng tự làm sạch nếu ô nhiễm ở mức độ chấp nhận được, nghĩa là ở hàm lượng nhỏ thì lượng nước biển sẽ tự hòa tan. Nhưng với khối lượng xả thải khổng lồ thì sẽ làm thay đổi  màu  nước. Động thực vật ở khu vực ô nhiễm như vậy cũng khó mà tiếp tục sống, chúng sẽ phải di chuyển ra các vùng biển sạch hơn, hoặc sẽ bị hủy hoại.

Nước biển không tự nhiên biến màu

Theo TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), Việt Nam có tới trên 100 con sông, trong đó hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Thị Vải… Tất cả các con sông đều đổ ra biển, kéo theo đó là nguồn ô nhiễm từ đất liền như chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, nước thải chưa xử lý, hóa chất, thuốc trừ sâu, rác, phế thải vật liệu xây dựng…, nên nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường biển không ngừng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái và nhiều mặt của đời sống xã hội.

Hầu hết những chất gây ô nhiễm đều từ đất liền đổ ra sông và theo dòng sông đổ ra biển; bao gồm nước thải sinh hoạt trực tiếp từ khu vực đô thị, thành phố ven biển, nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp ven biển trực tiếp hay qua cống thải ngầm dưới biển, nước thải, dầu thải, hóa chất của tầu thuyền trên biển; sự cố dầu tràn của dàn khoan khai thác, tầu vận tải chuyên chở dầu. Những loại rác không phân hủy được trôi nổi ven biển, lắng xuống đáy biển, rác phân hủy được sẽ hòa tan và lan truyền trong toàn khối nước biển.

Các số liệu thống kê cho thấy, khoảng 70% ô nhiễm biển và đại dương có nguồn gốc từ đất liền, xuất phát từ những chất xả thải của các thành phố, thị xã, thị trấn, từ các ngành công nghiệp, xây dựng, y tế, hóa chất... Trong đó đáng kể và nguy hại nhất là chất thải từ các nhà máy thông qua hệ thống thoát nước xả thẳng ra biển và đại dương một lượng lớn các chất bồi lắng, hóa chất, kim loại, nhựa, cặn dầu và thậm chí cả các chất phóng xạ.

Theo TS Dư Văn Toán, dù luôn phải tiếp nhận nước thải, nhưng nước biển không bỗng dưng đổi màu như hình ảnh ghi nhận ở Quảng Ngãi. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ nguồn xả thải và có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ môi trường biển.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top