BS Khanh và hình ảnh phần mũi bị hoại tử của bệnh nhân.
Ngày 8/11, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ 19 tuổi, ngụ Q.2, là sinh viên tại một trường ĐH trên địa bàn TPHCM. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoại tử mũi.
Khai thác bệnh sử cho thấy, trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân đã thực hiện tiêm chất làm đầy nâng mũi khoảng 1,5ml không rõ loại tại một cơ sở thẩm mỹ. Ngày hôm sau bệnh nhân cảm thấy tê đau nhức vùng mũi và vùng da quanh mắt. Bệnh nhân trở lại cơ sở thẩm mỹ và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân nhập viện với tổn thương đã nhiễm trùng, hoại tử 2/3 trên vùng mũi. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành xử lý kháng viêm, kháng sưng, giảm đau và chăm sóc vết thương tại chỗ.
Theo TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương, dù đã tổn thương đã ổn định nhưng thời gian tới, bệnh nhân phải được tiếp tục điều trị cắt bỏ phần da chết ở vùng mũi, phẫu thuật tạo hình lại, chắc chắn sẽ để lại sẹo tại vị trí được can thiệp.
BS Khanh cho biết thêm, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến trong hoặc sau quá trình can thiệp thẩm mỹ ngày càng tăng. Chỉ trong tuần vừa qua, tại Bệnh viện Trưng Vương đã tiếp nhận 4 trường hợp biến chứng do chất làm đầy, tiêm silicon, tiêm chất làm trắng… Có trường hợp đã biến chứng nặng gây mù mắt.
BS Khanh khuyến cáo, các cơ sở hoạt động dưới hình thức thẩm mỹ (như tiệm spa, uốn tóc…) không được Sở Y tế cấp phép tạo hình; người thực hiện cũng không được cấp chứng chỉ hành nghề; chất làm đầy chưa rõ nguồn gốc, thành phần thì người dân không nên thực hiện các can thiệp thẩm mỹ tại các cơ sở này.
Khi có biến chứng, người bệnh cần đến bệnh viện sớm nhất để được can thiệp. Đối với tổn thương da phải được can thiệp trong vòng 6 tiếng, trường hợp nghi ngờ tổn thương mắt phải đến bệnh viện trong vòng 60 đến 90 phút.