Nữ anh hùng trọn đời gắn bó với văcxin

(khoahocdoisong.vn) - Từ khi còn là một bác sĩ trẻ điều chế văcxin tại chiến trường đến khi ở tuổi 80, Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Phương Liên (chuyên gia cao cấp Công ty TNHH MTV Văcxin và Sinh phẩm số 1) vẫn không ngơi nghỉ con đường khoa học nghiên cứu văcxin. Mục đích duy nhất của bà là làm sao có những liều văcxin an toàn, giá rẻ cho người dân Việt Nam.

Kỳ 1: Vác nứa làm phòng thí nghiệm

Bác sĩ trẻ chân ướt chân ráo vào chiến trường được phân công nhiệm vụ tự xây phòng thí nghiệm cho mình. Lên rừng chặt nứa làm nhà, gai cào rách da thịt, nhưng tinh thần vẫn phấn chấn, phơi phới.

Lời dặn của cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch

Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên.

Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên.

Ở tuổi 81, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên vẫn miệt mài nghiên cứu. Bà hiện là chuyên gia cao cấp của Công ty TNHH MTV Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Vaibiotech). Khó có thể tin rằng ở tuổi này, hằng ngày bà vẫn đi làm. Chúng tôi gặp bà trong khuôn viên của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư. Giữa những ngày cuộc chiến Covid-19 đang hết sức căng thẳng, hoạt động xét nghiệm của các phòng, ban nơi đây luôn hết công suất. GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên bảo, những ký ức trong cuộc đời lúc nào cũng hiển hiện trong tâm trí mình, chưa bao giờ phai mờ dù một chi tiết nhỏ. Cảm xúc về những kỷ niệm ấy lúc nào cũng vẹn nguyên. Có những câu chuyện, chỉ cần nhắc đến thôi là tràn nước mắt. Dù đã nhắc đến nó hàng chục lần.

GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội những khóa đầu tiên. Tháng 12/1965, tốt nghiệp Đại học Y thì đầu năm 1966, bà và các bạn cùng khóa xung phong vào chiến trường. “Tôi nhớ ngày sắp tốt nghiệp bác sĩ, tôi và một bạn ở lớp chuẩn bị đi chiến trường, Cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch gọi lên dặn dò: “Các cháu đi B lần này với kiến thức chuyên khoa vi sinh vào chiến trường phải sản xuất bằng được 3 loại văcxin tả, thương hàn, đậu mùa để phòng chiến tranh vi trùng xảy ra. Giặc có thể dùng biện pháp này để gây dịch bệnh hàng loạt cho nhân dân ta, cho bộ đội ta, làm cho sức khỏe của chúng ta kiệt quệ để chúng dễ bề đánh chiếm nước ta… Chuyên khoa vi sinh vào Nam sẽ tham gia chống chiến tranh vi trùng. Cố gắng học để còn phục vụ chiến trường".

GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên nhớ lại: "Khi  đang tập trung ở Trường 105 để luyện tập mang gạch ban đêm, ban ngày học chính trị và được gọi về trường Đại học Y khoa Hà Nội kết nạp Đảng đúng 23 ngày trước khi lên đường vào chiến trường. Thế là cuộc đời tôi đã gắn bó với chuyên khoa vi sinh cho tới bây giờ. Ngày ấy mọi suy nghĩ về cuộc sống rất lý tưởng. Niềm vinh hạnh được hiến dâng tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thật thiêng liêng, cao thượng. Tuổi trẻ chúng ta sẵn sàng theo tiếng gọi của Đảng xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân”.

GS.TS Huỳnh Phương Liên (khi còn trẻ) đang thực hiện các quá trình nghiên cứu, thử nghiệm văcxin.

GS.TS Huỳnh Phương Liên (khi còn trẻ) đang thực hiện các quá trình nghiên cứu, thử nghiệm văcxin.

Tự xây phòng thí nghiệm giữa chiến trường

Ngày 1/4/1966, cả đoàn đi Khu V, khu VI và Nam bộ cùng  xuất phát, đến trạm 59 mới tách ra. Đến Quảng Bình bắt đầu đi bộ. Điểm tập kết đầu tiên là “Làng Ho”. Cái tên ấy những ai đi “B” năm 1965, 1966 đều biết. Nhưng sau đó phải chuyển đến một khu rừng nguyên sinh mới vì Làng Ho vừa bị máy bay địch đánh phá. Đúng là khu rừng hình như chưa mấy ai đặt chân đến. Trời đang mưa lâm thâm, vắt nhiều vô kể, 2 chân tôi vắt cắn máu chảy đầm đìa, tôi lấy muối bôi khắp 2 chân cho vắt nhả ra. Lần đầu tiên tôi tự mình căng tăng, dựng lều, cái cọc tre đâm vào động mạch cổ tay, máu trào ra, tôi không dám kêu ca một tiếng nào, tự cầm máu và tiếp tục làm cho xong chiếc lều cá nhân. Trời vẫn mưa rả rích, khu rừng ướt đẫm, nhóm lửa thật khó khăn, gần 2 giờ đồng hồ mới thổi xong “ăng gô” cơm ăn tối. Chiếc ba lô đầy ắp thức ăn và thuốc men mà má tôi chuẩn bị cho, cùng với chiếc ruột nghé gạo cứ vơi dần theo thời gian. Sau 2 tháng 15 ngày đến được trạm tập kết và hồi hộp chờ đợi nhận công tác.

Tháng 6/1966, BS Huỳnh Thị Phương Liên có quyết định nhận công tác tại K15 thuộc Ban Dân y khu V. Khoảnh khắc nhận quyết định ấy lúc nào cũng như kỷ niệm vừa mới hôm qua. “Lúc đó tôi háo hức lắm, thế là sắp được làm việc chuyên môn của mình rồi. K15 nằm ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. "Đến nơi rồi", người dẫn đường quay lại bảo tôi. Cơ quan! Tôi đưa mắt nhìn quanh thấy có 2 ngôi nhà lá và hình như một ngôi nhà nữa đang xây dựng dở dang, chắc là cơ quan ít người, tôi nghĩ vậy. Thấy tôi đang ngơ ngác quan sát, anh Hải (y sĩ đã vào 1965) bảo tôi: "Cơ quan mới chuyển về đây, chỗ cũ bị B52 đánh sạch rồi. Bây giờ đang làm nhà, chị vào thì tự xây dựng phòng thí nghiệm của chị đấy".

Thật ra K15 tại thời điểm đó chưa làm chuyên môn vì chưa có dụng cụ, nguyên vật liệu, hóa chất, thiết bị viện trợ từ miền Bắc vào. Mọi thứ ở đây đang ngổn ngang, tôi chẳng hình dung ra được gì. Cơ quan có 1 bác sĩ là thủ trưởng đầu tiên của K15, đó là BS Tâm chuyên khoa dịch tễ, sau đó là BS Trần Dzũ vào trước tôi mấy tháng. 3 y sĩ, 2 y tá, 1 cán bộ tài chính làm quản lý cơ quan là từ miền Bắc vào, còn lại các em thanh niên 16 - 18 tuổi thoát ly từ đồng bằng lên đi theo cách mạng, tổng số có 37 người nhưng phân tán cả: một số đi cõng hàng ở đồng bằng, một số đi nhận hàng chuyên môn ở đường dây Xã hội chủ nghĩa.

Ngày hôm sau tôi bắt tay vào việc. Trong khi chờ hóa chất và thiết bị, dụng cụ viện trợ ngoài Bắc vào, mọi người đều khẩn trương làm nhà và làm rẫy. Lúc bấy giờ phải tự túc gạo 6 tháng trong 1 năm, do vậy mà quanh năm ăn sắn vì sản xuất không thể nào đủ lúa gạo để ăn. Tôi đi chặt nứa, vác nứa về nơi tập kết để làm nhà. Lần đầu tiên trong đời tôi vác nặng như vậy, đôi chân tôi cứ đá qua đá lại trong rừng nứa rồi vấp ngã sưng bầm cả 2 chân, xây xước cả 2 tay.

BS Trần Dzũ, thủ trưởng cơ quan thấy vậy phân công tôi làm cấp dưỡng. Làm cấp dưỡng hồi đó khổ đủ điều: Sắn, rau, củi… đều ở ngoài rừng. Hôm nào cũng dậy từ 3 - 4 giờ sáng, lo cho đủ 3 bữa mỗi ngày. Nhổ sắn, hái rau, lấy củi, về nhặt rau, chẻ củi, bóc sắn thổi cơm. Hôm nào cũng 10 - 11 giờ đêm mới xong việc. Buổi sáng bao giờ cũng phải chuẩn bị từ đêm. Một nồi sắn to đặt sẵn trên “bếp Hoàng Cầm”, sáng dậy châm lửa nấu sắn. Nấu riêng 4 lon gạo cơm (cho cả cơ quan). Khi sắn chín, dùng đũa cả đánh cho tơi hết ra, sau đó cho 4 lon gạo cơm vào trộn đều để 1 hạt cơm cõng quanh toàn sắn. Một nồi canh rau có thể là rau tàu bay, lá sắn, tầm phụp, lá tai voi, thiên niên kiện… sang hơn cả là rau má, rau mì chính.

Mùa hè 1969, các cơ quan khu bộ nằm trong tầm rải chất độc hóa học của đế quốc Mỹ. Một hôm cả cơ quan mới đi cõng gạo đường xa về thấy máy bay sà rất thấp để lại phía sau những làn khói xám trải dài trên rẫy sắn, trên cây cối, nhà cửa, khe suối… Thủ trưởng đơn vị hét to ra lệnh: “Tất cả hãy ra cứu lấy sắn!”. Chúng tôi chạy ùa ra rẫy sắn đã thấy lá rũ xuống cả, nhanh như chớp, chúng tôi ôm những cây sắn rồi người nhổ, người chặt củ khỏi cây. Sắn mới trồng 3 - 4 tháng củ bé tí, tiếc quá! Đem ngâm xuống suối, nước suối cũng chất độc hóa học, nhưng không ăn thì lấy gì để sống?

Sau mươi hôm khu rừng rụng hết lá, trông quang hẳn rất dễ bị lộ cơ sở. Máy bay OV10 cứ chậm rãi ầm ì bay lượn quan sát, chụp ảnh. Do vậy, cơ quan phải nhanh chóng di chuyển đi tìm khu rừng nào may mắn chưa bị chất độc hóa học để xây dựng cơ sở mới… Năm nào cũng thấp thỏm chuyển dời cơ quan, lại làm nhà, tìm rẫy sản xuất rất cực khổ.

Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên sinh năm 1940. Quê quán Hội An, Quảng Nam. Đã được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2000) và hạng Hai (2005). Được Nhà nước công nhận Chức danh Giáo sư (1996), Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (2000).

(còn nữa)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top