Công nghệ xử lý ô nhiễm “đổ bộ”
Với Hà Nội, việc xử lý nước thải sông, hồ nội đô luôn là vấn đề cấp thiết. Những năm gần đây, Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng nước tại các con sông, hồ đang bị ô nhiễm như: Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, thả bè thủy sinh, nạo vét bùn hồ,... nhưng chưa mang lại kết quả như ý.
Bên cạnh các giải pháp truyền thống trên, cũng có khá nhiều các loại chế phẩm, công nghệ xử lý ô nhiễm tối tân của nước ngoài được “mời chào” tại Hà Nội. Tuy nhiên, bùng nổ hơn cả là sau sự kiện cá Hồ Tây và các hồ nội đô chết hàng loạt, Hà Nội đã đưa về một chế phẩm có tên Redoxy-3C để khắc phục sự cố.
Thành phố đã giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chủ trì xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ trên địa bàn thành phố và xử lý ô nhiễm tại các bãi xử lý rác thải. Tổ chức đàm phán với Công ty Watch Water làm rõ quy trình khi sử dụng chất Redoxy-3C.
Đến tháng 10/2016, UBND TP Hà Nội chính thức có văn bản về việc triển khai nhân rộng xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn TP Hà Nội bằng chế phẩm Redoxy-3C.
Số liệu thống kê cho thấy, ngay trong năm 2016 Hà Nội đã xử lý ô nhiễm 79 hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C của Đức và 01 hồ được xử lý bằng công nghệ của Mỹ. Từ đó đến nay việc sử dụng chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm sông, hồ tại Hà Nội tiếp tục được nhân rộng, trong đó có sông Tô Lịch.
Tuy nhiên trước những thông tin dư luận phản ánh liên quan đến tính minh bạch, hiệu quả trong việc sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, hiện Hà Nội đang tiến hành thanh tra toàn diện việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm này.
Ngoài chế phẩm Redoxy-3C hiện nay Hà Nội cũng đã cho phép đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty CP cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor thông qua “Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây”.
Công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản được Công ty JVE giới thiệu là công nghệ hiện đại, kết hợp giữa máy sục khí công nghệ nano và các tấm Bioreactor có tác dụng phân giải các chất gây ô nhiễm, bùn ở tầng đáy, hiệu quả bền vững chu kỳ trong 25 năm không cần tác động xử lý gì thêm. Thay vì phải làm nạo vét sông, hồ định kỳ hàng năm, thì với công nghệ này, chỉ cần làm một lần nhưng hiệu quả lâu dài, chu kỳ lên tới 25 năm là một công nghệ mở ra kỷ nguyên mới trong xử lý môi trường.
Công nghệ này đã xử lý thành công tại 300 điểm ô nhiễm tại Nhật Bản, bao gồm khu vực nước thải công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, nước hồ điều hòa, ao ô nhiễm do tù đọng và được giới thiệu, ứng dụng thử nghiệm tại một số nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Lào, Indonesia, Thái Lan…
Như vậy, trên cùng dòng sông Tô Lịch Hà Nội đang sử dụng, thử nghiệm nhiều giải pháp như: Xây dựng vận hành nhà máy xử lý nước thải, ứng dụng chế phẩm Redoxy-3C của Đức, công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản, và nhiều giải pháp khác nhằm mục tiêu lựa chọn được các phương án tốt nhất xử lý ô nhiễm dòng sông.
Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty JVE đang thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor |
Đi vào thị trường tiềm năng
Việc nhiều nhà đầu tư, nhiều loại chế phẩm hay công nghệ mới được thử nghiệm, ứng dụng xử lý ô nhiễm sông, hồ tại Hà Nội có lẽ là điều đáng mừng, bởi Hà Nội có thêm sự lựa chọn trước khi chính thức quyết định phương án sử dụng công nghệ, hay chế phẩm nào tốt nhất.
Tuy vậy, dù được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội cho phép khởi công dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản từ ngày 16/5, nhưng đến nay sau 03 tháng triển khai đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty JVE chưa thể chính thức công bố kết quả thí điểm do những lần xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
Tuy nhiên, tại các cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội gần đây, các cơ quan chức năng Hà Nội đều cho rằng việc xả, hạ mực nước Hồ Tây về mực nước quy định của Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là khách quan, và hoàn toàn phù hợp với quy trình vận hành và phương án chống úng ngập của Thành phố.
Với Công ty JVE, đây là doanh nghiệp còn khá non trẻ, mới chỉ được thành lập vào tháng 5/2017 và đang có những bước đi đầu tiên để “vào” thị trường xử lý nước thải đầy tiềm năng tại Việt Nam. Vì vậy, kết quả thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản lần này là hết sức quan trọng để có thể chứng minh được chất lượng thực sự của công nghệ mới này.
Tuy nhiên, ngoài chất lượng công nghệ thì mức đầu tư, chi phí thiết bị, công nghệ,... cũng là vấn đề quan trọng để Hà Nội xem xét, cân nhắc lựa chọn giải pháp phù hợp nhất cho công cuộc “hồi sinh” sông, hồ ô nhiễm. Bởi, Hà Nội vẫn còn nhiều giải pháp khác đang được triển khai trong thời gian tới.
Dư luận đang chờ kết quả thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor mà các chuyên gia Nhật Bản và Công ty JVE mang đến Hà Nội. Tuy nhiên, ngoài Hà Nội Công ty JVE và các đối tác đã và đang đưa công nghệ Nhật Bản vào một số địa phương khác cũng bằng phương thức thí điểm xử lý một số sông, hồ ô nhiễm. Những vấn đề này chúng tôi sẽ thông tin tới độc giả trong thời gian tới.