Tính đến 31/12/2018, tổng nợ nước ngoài của quốc gia giảm xuống còn khoảng 46% GDP, trong đó cơ cấu nợ nước ngoài quốc gia đều giảm. Cuối năm 2017, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 48,9% GDP, sát với ngưỡng 50% được Quốc hội cho phép. Thông tin này được Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp về tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011- 2018 và phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019.
Theo Bộ Tài chính, nợ nước ngoài của Chính phủ là 19,3% GPD, nợ nước ngoài của Chính phủ bảo lãnh là 4,4% GDP, nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp là 22,3% GDP. Tỷ lệ trả nợ so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ khoảng 25%, bảo đảm các quy định và thông lệ quốc tế. Trong giai đoạn 2011-2017, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP có xu hướng tăng nhanh, bình quân tăng 16,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP theo giá hiện hành ở 13,0%/năm của cùng giai đoạn.
Phân tích số liệu trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia vẫn dưới mức trần không quá 50% GDP của Quốc hội và đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm rất mạnh, tốc độ tăng nợ rất thấp. Nợ nước ngoài Chính phủ bảo lãnh chiếm tỷ trọng nhỏ và xu hướng giảm. Tuy nhiên, quy mô nợ nước ngoài quốc gia tăng nhanh, chủ yếu là nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng theo hình thức tự vay tự trả. Hiện nợ này chiếm khoảng 48,4% tổng nợ nước ngoài quốc gia so với tỷ lệ 25,6% năm 2011 và 40,4% của năm 2016.
Theo Phó Thủ tướng, việc tăng nhanh nợ nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (chiếm 76% tổng lượng nợ của doanh nghiệp), tập trung ở một số doanh nghiệp FDI có quy mô lớn. "Việc tăng nợ nước ngoài quốc gia tuy đáp ứng được nhu cầu vốn và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng nhưng cũng tác động tới khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.
Từ đây, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tăng cường điều hành, quản lý nợ theo quy định của pháp luật bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nói chung, chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn tự thân của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp nói chung.