Níu kéo sự sống ở thời khắc thiêng liêng

Những ngày Tết, thay vì sum vầy cùng gia đình đón năm mới, các bác sĩ cấp cứu vẫn luân phiên trực. Khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, sinh mạng con người càng trở nên thiêng liêng.

Không ai muốn đi bệnh viện những ngày đầu năm

Ngày bình thường, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM nhận khoảng 100 ca. Ngày Tết số ca cấp cứu giảm, nhưng tỷ lệ bệnh nặng lại tăng, hầu hết là các ca chấn thương vì tai nạn giao thông, do ẩu đả, hay bệnh mạn tính, ngộ độc cấp tính.

truc Tet
BSCK II Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết, đa số bệnh nhân vào cấp cứu trong những ngày 30 hay mồng 1 Tết đều trong tình trạng nặng, phải điều trị tích cực.

BSCK II Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM chia sẻ: “Những người đến cấp cứu vào đêm 30, ngày mùng 1 hầu như đều là bệnh nặng, nên ranh giới giữa cái sống và cái chết cũng rất gần nhau. Các bác sĩ trực Tết như chúng tôi lại càng phải dốc hết sức để níu kéo sự sống từng giây từng phút”.

BSCK II Đỗ Quốc Hùng đã đón khoảng 20 Giao thừa trong bệnh viện. Bác sĩ cấp cứu là vậy đó, không có cái Tết nào là trọn vẹn với gia đình. Nhưng đó là trách nhiệm cũng là tình yêu thương đối với người bệnh của nhân viên y tế.

BSCK I Nguyễn Hữu Nhân Duyên, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết thêm, những đêm trực Tết có cả người vô gia cư vào viện cấp cứu do tai nạn va quệt. Bên cạnh điều trị, các bác sĩ phải liên hệ với UBND phường và phòng công tác xã hội để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân.

Mỗi năm trực Tết đã áp lực đối với các bác sĩ cấp cứu, năm nay áp lực ấy còn tăng lên rất nhiều lần vì dịch Covid-19 vẫn còn diễn tiến phức tạp.

cham-soc-benh-nhan-Covid
Mỗi năm trực Tết đã áp lực đối với các bác sĩ cấp cứu, năm nay, biến thể Omicron xuất hiện trên thế giới và ở Việt Nam, áp lực ấy còn tăng lên rất nhiều lần.

Các bác sĩ cấp cứu còn thêm nhiệm vụ tiếp nhận sàng lọc bệnh nhân Covid-19 vừa điều trị các bệnh nhân mắc các bệnh thông thường khác. Nhiều ca Covid-19 tự thuê bình oxy nhỏ, tự ôm bình vào ngồi chờ trước cửa phòng cấp cứu.

“Những hình ảnh kiên cường níu lấy sự sống đó càng thôi thúc chúng tôi trân trọng sinh mạng người bệnh và không buông tay”, BSCKII Đỗ Quốc Hùng bộc bạch.

Vẫn luôn “người bệnh trước, gia đình để sau!”

BSCK II Trần Văn Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện An Bình TPHCM bày tỏ, nhân viên y tế, đặc biệt hồi sức và cấp cứu là hai nơi tuyến đầu ngày thường vốn đã vất vả, trong những ngày Tết càng vất vả hơn.

img_5842.jpg
Những đêm trực Tết, rất nhiều ca vô gia cư vào viện cấp cứu do tai nạn va quẹt.

“Cứ mỗi tour trực Tết, có khi 5 phút, có khi 15 phút, 30 phút, một ca cấp cứu lại vào. Trong những ca trực vào đêm Giao thừa hay những ngày Tết, bác sĩ và điều dưỡng, nhất là ở cấp cứu, không thể chợp mắt được”, BSCKII Trần Văn Hải chia sẻ.

Bên cạnh đó, do dư luận xã hội ngày càng gây áp lực đến nhân viên y tế, nên các bác sĩ càng phải lo hết sức chu đáo vào những đêm trực tết đặc biệt ấy.

Trong 14 năm làm tại Bệnh viện An Bình, Điều dưỡng Trưởng khoa Cấp cứu Hồ Thị Ngọc Len đã trực Tết gần chục lần.

“Tua trực Tết năm đó ấn tượng trong tôi mãi đến bây giờ. Không hiểu sao, 30 Tết mà bệnh nhân vào rất đông lại toàn người lớn tuổi và tai nạn giao thông. 20 phút trước đó, bà nội gọi điện báo thằng cu con bị đau bụng, khóc um sùm. Tôi nói má chồng nhờ người chở con trai vào bệnh viện”, giọng chị nghẹn lại.

z3050191900245_d518bcae31bdf88dd2322eacddce18f7.jpg
Bác sĩ nói chung và bác sĩ cấp cứu nói riêng hầu như không có cái Tết nào là trọn vẹn với gia đình. Nhưng đó là trách nhiệm cũng là tình yêu thương đối với người bệnh của nhân viên y tế.

Trong thời gian chờ con trai, một bệnh nhân vừa được chở vào phòng Cấp cứu thì ngưng tim, điều dưỡng Len phụ bác sĩ tiến hành cấp cứu bệnh nhân. Vừa lúc đó, chú xe ôm gần nhà chở con trai chị vào.

“Tôi vừa bóp bóng cho bệnh nhân, thỉnh thoảng quay lại ngó con trai qua cửa kính. Con trai cứ lăn qua lăn lại rồi lại nhìn mẹ. Hơn nửa tiếng sau, chúng tôi mới cấp cứu xong bệnh nhân. Tôi vội chạy vào với con. May mắn là cháu chỉ bị rối loạn tiêu hóa, nhưng lòng tôi cứ nghèn nghẹn vì câu mẹ không thương con”, chị Len tâm sự.

Lại có năm vào đúng đêm Giao thừa, khoa chị lại tiếp nhận một bệnh nhi vào cấp cứu do hen suyễn.

“Sau xử trí cấp cứu, tôi phải đứng kế bên để hướng dẫn bé thở chứ không rời bỏ được vì bé còn quá nhỏ. Cho đến khi bệnh nhi qua cơn nguy hiểm, tôi gọi điện chúc Tết ba mẹ. Câu đầu tiên ba tôi hỏi, con trực Tết hả con, vì đã qua Giao thừa hơn 20 phút”.

z3050060721524_52c76e1ef78729beb440c38b5dcf1815.jpg

Trực Tết là vậy đó, cấp cứu người bệnh mải miết qua cả thời gian đón Giao thừa. Thậm chí, Tết năm 2021, chị cũng được phân công trực Tết. Năm ngoái, Covid-19 chưa bùng phát dữ dội, nhưng các y bác sĩ vẫn phải mặc bộ đồ bảo hộ suốt 8 tiếng/ca, không có được một bữa cơm đoàn viên cuối năm chung với cả êkip trực Tết của khoa.

“Tôi ở chung với ba mẹ, nên những ngày gần Tết mẹ sẽ chuẩn bị mọi thứ đón Xuân. Những ngày không đi trực, tôi mua sắm được gì thì mua cho gia đình. Hai năm qua, vì dịch Covid-19 nên trong nhà lúc nào cũng trữ sẵn đồ ăn nên có Tết chắc cũng giống vậy thôi, chỉ khác là nghỉ dịch hay nghỉ Tết thôi”, BSCK I Nguyễn Hữu Nhân Duyên hài hước chia sẻ.

img_5825.jpg
Nhiều bác sĩ cũng có chút bình thản khi sắp đến Tết.

“Con nhỏ lúc nào cũng muốn đi chơi Tết với bố mẹ. Lúc trước, những lần ra trực, mẹ cũng tranh thủ dẫn đi chợ hoa Xuân. Năm nay ra trực, mẹ chỉ muốn ngủ thôi vì đuối, nhưng vì đây là những giây phút đoàn tụ đầu năm của gia đình…”, BSCK I Nguyễn Hữu Nhân Duyên chia sẻ thêm.

Còn trẻ, mới tốt nghiệp và vừa vào làm ở Khoa Cấp cứu được 2 năm, BS Nguyễn Thị Mỹ Huyền, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cũng tâm sự: “Từ mùa dịch đến nay, cũng 6 tháng rồi em chưa về quê. Ở nhà còn ba mẹ, nên em cũng mong Tết dù được nghỉ đôi ba ngày cũng phải về. Điều may mắn là quê em ở Bến Tre, cũng gần TPHCM nên nếu bệnh viện điều động trong trường hợp dịch bùng phát, em cũng sẽ sớm có mặt để nhận nhiệm vụ".

Nhiều bác sĩ cũng có chút lo lắng khi Tết đến mà dịch bệnh vẫn căng thẳng, người người, nhà nhà tụ tập ăn uống, sum họp, lượng bệnh có thể tăng lên vì lây nhiễm.

Chuẩn bị Tết hay không? Đúng là cũng phải chuẩn bị những thứ cơ bản, dọn dẹp nhà cửa, mua ít chậu hoa… cho có không khí cũng như năng lượng tích cực để đón chào năm mới. Nhưng năm nay, thậm chí họ hàng tới lui chúc Tết cũng sẽ bị hạn chế, hẹn hò hay gặp gỡ chắc cũng chỉ qua mạng.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top