Trong tầm soát phát hiện sớm các bệnh lý ung thư thì chẩn đoán hình ảnh và các thăm dò có vai trò chủ yếu như:
Từ 40 tuổi nên X quang tầm soát ung thư vú
Hạn chế của X quang là lượng thông tin không nhiều, do hình có được là sự chồng hình của cơ thể vào một mặt phẳng, có thể bị che lấp tổn thương, nên nay với sự phát triển như vũ bão của CT Scanner và MRI, vai trò của X quang trở nên khiêm tốn. Cụ thể, các ứng dụng liên quan đến X quang sọ, xoang bụng đã được thay thế dần bằng CT Scanner.
Ngoài ra, đáng kể và còn giá trị nhất trong tầm soát bằng X quang là chụp nhũ ảnh (tên chính xác là chụp X quang vú), khuyến cáo cho phụ nữ nếu không có yếu tố nguy cơ thì từ 40 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh định kỳ hàng năm để tầm soát ung thư vú và đây đã trở thành chương trình quốc gia ở các nước tiên tiến.
Siêu âm cuộc rà soát hữu dụng
Là kỹ thuật “năng động” nhất trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh vì nhiều ưu điểm như nhỏ gọn, dễ áp dụng, chi phí rẻ và ghi hình theo thời gian thực. Hạn chế của kỹ thuật này là sự cản âm khi qua môi trường xương (vôi) và khí, do đó khảo sát các tổn thương trong phổi hay liên quan đến u xương, chấn thương gãy vỡ sẽ khó ghi nhận được hết thông tin.
Tuy nhiên, do tính cơ động, rẻ tiền, không xâm hại và có nhiều giá trị chẩn đoán, hiện nay siêu âm vẫn là phương tiện tầm soát đầu tay cho các bệnh lý về tuyến giáp, tuyến vú (kết hợp nhũ ảnh), và không thể thiếu siêu âm vùng bụng – chậu trong khám sức khỏe và sàng lọc sớm ung thư.
Siêu âm bụng chậu được xem là cuộc rà soát rất hữu dụng khi mà bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể dễ dàng thấy được các bệnh lí sỏi tiết niệu, sỏi mật, bệnh lí gan mãn, đặc biệt là các bệnh lý về u gan, u thận, u tử cung buồng trứng (nữ) và tiền liệt tuyến (nam) sau mỗi lượt quét khoảng 15 – 30 phút, có khi ngắn hơn, tùy thể trạng bệnh nhân béo hay gầy.
Những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cần làm để phát hiện sớm ung thư |
Cân nhắc CT Scanner – cắt lớp vi tính - toàn thân
Tên gọi CT nghĩa là viết tắt của chữ Cắt lớp Vi tính (Computed Tomography). Bệnh nhân được đặt lên bàn chụp và di chuyển vào khung máy, trong đó có cái đầu đèn phát tia tương tự X quang, nhưng nó xoay vòng vòng quanh bệnh nhân, vừa quay vừa bắn tia tạo thành các khoanh lát cắt, tựa như các lát khi cắt quả dưa leo hay cắt chả lụa.
Khi này, độ hấp thu tia X của các thành phần khác nhau sẽ được máy tính xử lí và cho ra các hình ảnh có rất nhiều đậm độ khác nhau. Các lát cắt này vừa giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nhìn thấu vào trong một cách rõ ràng về vị trí giải phẫu, vừa xác định được thành phần bản chất tổn thương là gì (khí, mỡ, dịch, mô, xuất huyết, vôi…).
Kỹ thuật chụp CT liều thấp (LDCT, Low-dose CT) trên phổi đã thực hiện rộng rãi cho các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao về ung thư phổi, cụ thể khuyến cáo chụp CT phổi cho những người từ 55 – 74 tuổi đã hoặc đang hút thuốc trên 15 năm. Khi mà máy CT càng lúc càng hiện đại và siêu nhanh, ở Việt Nam hiện nay đang có “trào lưu” chụp CT toàn thân để kiểm soát bệnh tật, một ca “quét” từ đầu đến chân chưa hết 20 giây tùy loại máy, có thể xem được một cách khái quát các bất thường của xoang, sọ, trung thất, phổi, bụng chậu và cột sống.
Tuy nhiên, kỹ thuật này khiến bệnh nhân “ăn” tia và thuốc nhiều, ngoài ra vì quét cùng kiểu cho toàn bộ các cơ quan nên vẫn có thể bỏ sót tổn thương và hiện cũng chưa thấy phổ biến rộng rãi như là chương trình mang tính quốc gia ở các nước khác, nên chỉ định CT toàn thân hiện nay là cân nhắc, tùy nhu cầu và đối tượng.
MRI – cộng hưởng từ- tầm soát mạch máu phòng đột quỵ
Vì không dùng tia X nên đây là kỹ thuật gần như vô hại. Với độ phân giải mô tốt nên cộng hưởng từ khảo sát các cơ quan như não, khớp, vú, hệ mật, vùng chậu rất tốt, và các ứng dụng này ngày càng dùng rộng rãi hơn trong chẩn đoán.
Riêng trong lĩnh vực tầm soát bệnh tật, do thời gian lâu, đắt tiền và CT có thể thay thế trong đa số các trường hợp, nên cộng hưởng từ vẫn còn là kĩ thuật chưa ưu thế.
Tuy nhiên, ở Nhật đã ban đầu ứng dụng Cộng hưởng từ sọ não vào chương trình tầm soát quốc gia, với mục tiêu là tìm các bất thường sớm về mạch máu não, mà Cộng hưởng từ là kỹ thuật khá “siêu” khi có thể ghi hình lại mạch máu não mà không cần phải tiêm thuốc tương phản, chương trình này thật sự đã sàng lọc tốt và giảm được tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tại Nhật.
Nội soi - tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tiêu hóa
Ung thư đường tiêu hóa bao gồm ung thư khoang miệng, thực quản, dạ dày, vòm họng, ruột non, đại trực tràng và hậu môn. Ung thư tiêu hóa được xem là căn bệnh âm thầm, hầu như không có dấu hiệu mặc dù khối u đã xuất hiện và phát triển trong thời gian dài. Ung thư tiêu hoá có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và có phương pháp điều trị chính xác, kịp thời thông qua nội soi tầm soát và can thiệp sớm.
Nội soi là vũ khí quan trọng và hiệu quả nhất trong chẩn đoán sớm và điều trị bệnh lý ác tính đường tiêu hóa, tầm soát ung thư đường tiêu hóa cũng giúp phát hiện sớm bệnh ung thư khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn, di căn, giúp việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, giảm nguy cơ tử vong.
Đặc biệt khi phát hiện tổn thương ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thủ thuật cắt bỏ qua nội soi mà không cần phẫu thuật.
Nội soi Tai – Mũi – Họng tầm soát các khối u vùng đầu cổ
Nội soi tai mũi họng là phương pháp sử dụng một ống nội soi chuyên dụng có gắn đèn soi sáng và camera siêu nhỏ ở đầu để đưa vào sâu bên trong các ngóc ngách của vùng tai, mũi, họng. Sau đó, hình ảnh nội soi bên trong sẽ được phóng to và hiển thị trên màn hình tivi. Điều này sẽ giúp các bác sĩ chuyên khoa nhìn trực tiếp, nhận biết vị trí và mức độ tổn thương, qua đó giúp chẩn đoán chính xác các nguyên nhân gây ra bệnh như u hay viêm và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
ThS.BS Trần Cảnh (Khoa Nội soi Bệnh viện K Trung Ương)