Xỉa răng là thói quen có hại cho hàm răng
Chỉ người Việt mới xỉa răng
Lý giải về thói quen ăn cơm xong là xỉa răng, ngậm tăm, GS Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho biết, tục xỉa răng không phổ biến ở người phương Tây và ngay cả người Trung Hoa, nên được coi là cử chỉ riêng của người Việt.
Xỉa răng sau khi ăn thực ra liên quan đến cách thức nấu nướng hằng ngày. Chúng ta không rõ thời trung cổ người phương Tây ăn những tảng thịt nướng to tướng thì họ sẽ xử lý răng miệng thế nào, nhưng về sau nhiều các đồ ăn phương Tây chuyển sang hầm nhừ, bộ răng không quá vất vả.
Món ăn Trung Hoa cũng vậy, không nhiều đồ luộc như Việt Nam. Người Việt ăn nhiều chất xơ và đồ luộc. Chất xơ từ rau cỏ, lại ăn nhanh và không nhai kỹ, hay nói chuyện trong khi ăn, nên luôn làm cho bộ răng ngứa ngáy, việc xỉa răng xuất phát từ thói quen ăn uống đó.
Thói quen này dẫn đến hệ quả là hầu hết người Việt lớn lên đôi chút là chân răng thường hở, khiến cho khi ăn thức ăn giắt vào kẽ răng và phải xỉa răng. Tập tục ăn trầu có chất vôi và nhuộm răng đen làm cho răng chắc khỏe, với những ai giữ được thói quen truyền thống này thì có thể giảm xỉa răng.
Tuy nhiên trong quá khứ, thuốc đánh răng và bàn chải chỉ xuất hiện khi người phương Tây sang, còn người Việt cổ chỉ có súc miệng bằng nước chè, rượu, đánh rằng bằng than hay múi cau khô. Ngoài bốn mươi, sự lão hóa bắt đầu và răng bắt đầu rụng cũng như doãng ra, người ta buộc phải xỉa răng. Vì lý do đó mà thói quen xỉa răng trở nên phổ biến.
Ngậm tăm thể hiện sự no đủ
GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cũng có một kiến giải khác cho rằng, hình ảnh ngậm tăm, về mặt biểu tượng cũng thể hiện sự no đủ, hay là dấu chỉ cho người đối diện thấy mình mới dùng bữa xong.
Có một câu chuyện người ta hay kể trên bàn nhậu, rằng xưa có một anh nông dân bần cùng thế nhưng ưa sĩ diện, lúc nào cũng ngậm tăm tỏ ra ta đây no đủ. Một hôm người ta phát hiện anh ta chết vì đói quá nuốt phải cây tăm.
Hoặc cũng có thể vì phong tục đời sống của cư dân làng xã xưa vốn nhiều hội hè đình đám, giỗ chạp ma chay, đi ăn cỗ nhiều nên trong mỗi đám cỗ, việc ngậm tăm trong miệng là dấu hiệu để phân biệt người nào đã ăn cỗ rồi, người nào chưa. Điều này tiện cho gia chủ trong việc đón tiếp.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu văn hóa thì cũng có ý kiến cho rằng, chuyện xỉa răng là hậu quả của việc bỏ tục ăn trầu nhuộm răng của phụ nữ xưa. Người ta thay trầu bằng một que tăm, ngoài việc làm sạch miệng thì cũng đỡ thừa thãi hai tay và đỡ buồn miệng.
Trong khi đó, cũng có người cho rằng thói quen xỉa răng có liên quan đến đặc thù phát triển về khung hàm, sự bố trí răng của người Việt. Người Việt thích ăn đồ ăn nhiệt đới, rau quả nhiều chất xơ, thức ăn sống, thói quen thích nhai nghiền phần xương, nên hầu hết người đến tuổi trưởng thành là răng bắt đầu có xu thế thưa ra, chân răng trơ ra các kẽ.
Từ đó gây ra mảng bám nhiều, hôi miệng, sâu răng, rụng răng… Bởi thế người ta dùng tăm tre để xử lý phần mảng bám này. Rồi do điều kiện sống, nhà nào cũng có cây tre, nên cứ hết tăm là lại đốn một cây xuống để chẻ tăm thì có khi dùng được cả năm.
Theo GS. TS Ngô Đức Thịnh, do điều kiện sống cùng với rất nhiều yếu tố khách quan khách cũng như quan niệm, hiểu biết về sức khỏe… dẫn đến thói quen trên. Cũng có thể vì xỉa răng làm cho răng rất yếu nên người ta nghĩ cách nhuộm răng đen để răng chắc hơn, tránh bị sâu răng do hệ lụy từ việc xỉa răng đem lại.
Nhìn nhận ở góc độ văn hóa có thể lý giải được, nhưng văn hóa cũng có mặt tốt và mặt xấu, cái gì cần phải loại bỏ thì chúng ta vẫn cùng nhau đóng góp ý kiến để loại bỏ chứ không nên cho rằng vì đó là thói quen văn hóa nên phải gìn giữ.
Xỉa răng làm tiêu xương, tụt lợi
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ môn Nắn chỉnh răng, Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, ĐH Y Hà Nội khẳng định, thói quen xỉa răng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tổn hại cho răng miệng. Đầu tiên là nếu chiếc tăm không đảm bảo vệ sinh, không được hấp sấy cẩn thận có thể gây nhiễm trùng nướu, lợi.
Nhiều người sử dụng tăm làm từ tre có nhiều xơ, khi xỉa răng sẽ làm tổn thương niêm mạc miệng. Thứ nữa, dù có dùng đúng loại tăm, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ thì cũng vẫn gây hại. Việc di đi di lại chiếc tăm ở kẽ răng làm cho khoảng cách giữa các răng doãi rộng ra.
Các lỗ này là điều kiện lý tưởng để thức ăn tiếp tục bám vào, trở thành các “ổ” vi khuẩn trên răng, lâu ngày làm tiêu xương ở vùng kẽ răng, tụt lợi. Rất nhiều trường hợp phải vào viện điều trị chỉ vì thói quen xỉa răng này.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ cao cấp Bộ Y tế cho biết, xỉa răng là thói quen lâu đời nhưng nó dẫn đến những hệ lụy không tốt, làm các răng lệch lạc, xiêu vẹo, nhiều khi gây xây xước tổn thương lợi như chảy máu, rồi nhiễm trùng sinh viêm lợi, đồng thời là cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập gây nguy hiểm có khi bị nhiễm trùng huyết.
Song có cái may là khi miệng có nước bọt tiết ra lại có tác dụng diệt khuẩn và làm lành các vết chầy xước do xỉa răng gây ra, nhưng điều này chỉ hạn chế phần nào.
Cuộc sống hiện đại, người ta không xỉa răng bằng các loại vật cứng như tăm tre nứa mà thay vào là cách chải răng đúng cách tức là có thuốc đánh răng làm bóng răng và diệt khuẩn. Khi đánh răng, không nên đánh quá mạnh cọ theo chiều ngang của các răng có khi lại gây nên tụt lợi làm cho việc bảo vệ vững chắc cho răng mà có khi còn làm kém chắc răng….
Sau khi ăn 15 đến 20 phút hãy đánh răng để làm sạch các mảng bám trong các ngóc ngách khe kẽ của hàm răng.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương thì đưa ra lời khuyên phải từ bỏ ngay thói quen xỉa răng. Thói quen này chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tuổi thọ răng miệng của người Việt thấp, đa phần đều “có vấn đề” mỗi khi được bác sỹ thăm khám.
Cách tốt nhất để làm sạch răng sau khi ăn là sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch răng, các nước tiên tiến đều sử dụng cách này. Dùng sợi chỉ nha khoa (có bán nhiều ở các hiệu thuốc) đưa qua các kẽ răng là thức ăn và mảng bám sẽ không còn. Sợi chỉ nha khoa có chất sát khuẩn lại vô cùng nhỏ, khi đi vào kẽ răng không làm xô lệch chân răng, cách sử dụng đơn giản.
Theo các chuyên gia, mỗi khi ăn vặt, bạn nên súc miệng thật kỹ. Điều này nhằm giúp loại bỏ vi khuẩn và hơi thở có mùi trong miệng cũng như loại trừ nguy cơ gây sâu răng và các bệnh lý răng miệng. Nếu “ngứa ngáy” muốn dùng tăm, bạn có thể thay thế bằng chỉ nha khoa để lấy phần thức ăn còn bám trong răng, ngăn chặn môi trường thuận lợi để vi khuẩn gây nên tình trạng sâu răng. Ngoài ra, các bác sỹ khuyến nghị mọi người cần thường xuyên khám răng định kỳ và lấy cao răng 6 tháng/lần để có được sức khỏe răng miệng tốt nhất.
Tô Hội