Phẫu thuật thẩm mỹ tiềm ẩn nhiều tai biến |
Tai biến trong PTTM thường do thuốc gây tê, gây mê?
Theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, hiện nay Việt Nam có hơn 20 bệnh viện PTTM tư nhân; 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện; 320 phòng khám PTTM tư nhân; 479 phòng khám da liễu có thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ cùng hàng ngàn cơ sở chăm sóc da ngoài sự quản lý của ngành y tế. Bên cạnh những thành quả mà người hành nghề thẩm mỹ đem lại, trong thực tế đã xảy ra những biến chứng, tai biến không mong muốn từ nhiều nguyên nhân khác nhau...
BS.CK II Nguyễn Thị Huệ - Phó khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM cho biết, phần lớn các ca tai biến trong PTTM đều là những biến chứng do thuốc gây tê, gây mê. Ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra do dùng quá liều cho phép hay do nồng độ thuốc tê tăng cao đột ngột trong máu như chích thuốc vô mạch máu. Triệu chứng thường nhanh chóng, ồ ạt, bệnh nhân choáng váng, không tự chủ, nói nhảm, tiếp theo co giật, có thể trụy tim mạch.
Về gây mê, các biến chứng có thể diễn ra qua các giai đoạn: Tiền mê, người bệnh có thể bị giảm hô hấp, hạ huyết áp. Giai đoạn khởi mê thường có các biến chứng như co thắt thanh quản, phế quản; đặt nội khí quản khó (chiếm tỷ lệ 10%); tắc nghẽn đường thở; tụt huyết áp; rối loạn nhịp - ngừng tim; hít sặc; tổn thương răng (1/100 trường hợp gặp biến chứng này). Giai đoạn duy trì mê sẽ là thiếu oxy; thừa CO2; thức tỉnh trong quá trình mê; ngừng tim; mạch nhanh, mạch chậm; nấc; hạ thân nhiệt. Giai đoạn hồi tỉnh, bệnh nhân có thể bị viêm phổi - xẹp phổi; mù mắt; sốt cao ác tính...
Tạo hình thẩm mỹ luôn tiềm ẩn rủi ro và biến chứng
ThS.BS Trần Lâm Hùng - Giám đốc BV TM Kangnam nhấn mạnh, tạo hình thẩm mỹ luôn tiềm ẩn rủi ro và biến chứng. Các tai biến và biến chứng nguy hiểm với bệnh nhân trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ có thể đến từ việc gây tê, mê, đó là sốc phản vệ ngộ độc thuốc tê. Cần phát hiện sớm và phân biệt được là sốc hay ngộ độc để có biện pháp xử trí phù hợp, kịp thời.
Theo các chuyên gia, có 12 nguyên nhân chính dẫn đến các sai sót, sự cố y khoa liên quan phẫu thuật gồm những lỗi đến từ con người như các nhân viên y tế bất cẩn, thiếu kinh nghiệm. Nguyên nhân còn do nhóm phẫu thuật chưa thực sự ăn ý và gắn kết; có sự hiểu nhầm giữa người bệnh với nhóm phẫu thuật do bất đồng ngôn ngữ; vấn đề trang thiết bị hay thiếu bộ phận giám sát, kiểm soát an toàn phẫu thuật... Sự cố cũng có thể xảy đến từ bản thân người bệnh khi họ bị rối loạn ý thức, thiếu sự hợp tác.
BS.CK I Hoàng Hữu Tùng - Phó khoa Gây mê hồi sức, BV TM Kangnam nhấn mạnh, để đảm bảo mục tiêu an toàn trong phẫu thuật, cần có một quy trình chuẩn, dưa trên những tiêu chuẩn, hướng dẫn của Bộ Y tế, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật ở tất cả các khâu, nhất là trước trong và sau mổ, xây dựng cơ chế giám sát thực hiện , xây dựng chiến lược nâng cao nguồn nhân lực.
Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam cũng đã tiến hành ký kết hợp tác chuyên môn cùng Bệnh viện Nhân Dân 115. Đây là hoạt động cấp thiết nhằm tăng cường kỹ năng xử trí tình huống rủi ro trong các ca phẫu thuật tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam và có sự hỗ trợ kịp thời từ Bệnh viện Nhân dân 115 khi sự cố bất ngờ xảy ra
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm trên toàn thế giới có trên 230 triệu ca phẫu thuật trong đó bao gồm phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM). Nhu cầu thẩm mỹ ở Việt Nam đang tăng nhanh, chỉ tính riêng ở TPHCM, mỗi năm số người thực hiện dịch vụ thẩm mỹ các loại vào khoảng 250.000 người, trong đó có 100.000 người PTTM với độ tuổi trung bình làm thẩm mỹ từ 25- 35 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay độ tuổi này ngày càng trở nên trẻ hoá vào khoảng 18-19 tuổi.