Bộ Y tế đã hướng dẫn rất cụ thể đối với trường hợp nguy cơ (F1), trường hợp bị nhiễm (F0), công khai trên cổng thông tin điện tử. Người dân cần nghiên cứu các hướng dẫn này, mua và sử dụng kit xét nghiệm khi cần, tránh chưa có nhu cầu gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường.
Bộ đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu kit xét nghiệm Covid-19 đảm bảo nguồn cung, công khai và cập nhật giá. Các nhà phân phối không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, cũng không đầu cơ để tăng giá gây khan hiếm hay lũng đoạn thị trường.
Được biết, Bộ Y tế sẽ phối hợp với cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường, hải quan... kiểm tra việc kê khai và công khai giá bán để đảm bảo giá bán ra phù hợp với chi phí đầu vào, không bán qua nhiều cấp trung gian và tăng giá bất hợp lý, nhằm bình ổn giá kit bán trên thị trường.
Đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm Covid-19, trong đó có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu, bao gồm 56 loại kit xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 loại kit xét nghiệm kháng nguyên nCoV và 30 loại kit xét nghiệm kháng thể kháng nCoV.