Hành trình 14 năm “rùa bò” và đội vốn
Dự án đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Metro Nhổn - ga Hà Nội) được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2006, do UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Tuyến đường sắt dài 12,5km với 12 ga, trong đó có 8,5km đi trên cao, 4km đi ngầm.
Theo quyết định phê duyệt dự án, Hà Nội dự kiến khởi công năm 2006 để hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, phải tới tháng 9/2010 dự án mới chính thức được khởi công và tiến độ được lùi tới năm 2015.
Gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế, huy động nguồn vốn... nên metro Nhổn - ga Hà Nội thi công ì ạch, liên tục phải lùi mốc hoàn thành lần lượt sang các năm 2016, 2017 và 2018.
Đến năm 2018 tiếp tục không thể hoàn thành khi thời điểm này dự án mới thực hiện được khoảng 41% khối lượng công việc.
Đến năm 2019, Hà Nội quyết định tách phần trên cao khai thác trước vào cuối năm 2021, đoạn đi ngầm hoàn thành cuối năm 2022.
Nhưng đến cuối năm 2021, dự án vẫn gặp vướng mắc do gói thầu CP05 (công trình kiến trúc Depot) chậm bàn giao mặt bằng khiến nhà thầu không thể thi công.
Mốc thời gian tiếp theo được đưa ra là cuối năm 2022 sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao từ Nhổn (Bắc Từ Liêm) về ga S8 (Cầu Giấy) dài 8,5km, đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027.
Tuy nhiên, Hà Nội tiếp tục xin điều chỉnh thời gian đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao dự án vào tháng 8/2023, thay vì cuối năm 2022 như kế hoạch. Theo đó, thành phố dự kiến hoàn thành gói thầu CP5 tại khu depot vào tháng 5/2023, và nhóm công việc nghiệm thu bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống vào tháng 8/2023.
Hà Nội đặt mục tiêu sau khi vận hành thử cuối năm 2023, đoạn trên cao thuộc metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác thương mại dịp 30/4 - 1/5/2024. Tuy nhiên, mục tiêu này tiếp tục không hoàn thành mà phải lùi đến cuối tháng 6/2024.
Metro Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành sau hành trình 14 năm. |
Thời điểm này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục như phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT hoàn thành công tác thẩm định, cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định; thủ tục cấp phép môi trường trong ngày 20/7/2024 và bảo đảm đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao vào khai thác thương mại trước ngày 28/7, nhất định không lùi tiến độ hoàn thành. Nhưng rồi, dự án vẫn không thực hiện được mốc thời gian theo chỉ đạo.
Mãi đến tận 8/8/2024, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới chính thức vận hành thương mại sau gần 14 năm thi công và nhiều lần lỡ hẹn.
Đáng chú ý, cùng với nhiều lần dời tiến độ, tổng mức đầu tư cho dự án cũng đã tăng từ hơn 18.000 tỉ đồng lên hơn 34.000 tỉ đồng. So với tổng vốn đầu tư ban đầu và kế hoạch hoàn thành, đến nay sau 3 lần điều chỉnh vốn và nhiều lần lùi tiến độ. Ước tính, dự án chậm tiến độ 19 năm, vốn đầu tư tăng 16.000 tỷ đồng, tương đương 87,5%, phá vỡ mọi kỷ lục về đội vốn và tiến độ của dự án hạ tầng giao thông của nước ta.
Sau 14 năm thi công xây dựng, việc đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị này là sự mong đợi của 8,4 triệu người dân Thủ đô. Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng của Tành phố, với mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện hệ thống vận tải công cộng và góp phần bảo vệ môi trường.
Kết luận Thanh tra còn “treo” trên đầu?
Ngày 25/11/2020, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra theo đơn tố cáo một số nội dung của dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Những nội dung tố cáo này đã được một nguyên Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội về dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội gửi đến nhiều cơ quan chức năng trong nhiều năm.
Theo đó, dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty Systra (Pháp) được chọn làm đơn vị tư vấn. Từ tháng 11/2007, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã ký với Công ty Systra hợp đồng trọn gói dịch vụ tư vấn.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập, bất hợp lý làm phát sinh những vướng mắc giữa các bên. Hợp đồng trọn gói có nhiều nội dung không rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu khác nhau.
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án có quy mô lớn và phức tạp đầu tiên áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài vào Việt Nam, nhưng hợp đồng chỉ xác định thời gian 25 tháng với tổng giá trị 10,6 triệu Euro là không khả thi, khó đáp ứng và chưa lường hết được các yêu cầu trong việc thực hiện dự án đặc biệt này.
Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư và tư vấn đã ký 3 phụ lục điều chỉnh thời gian thực hiện và giá hợp đồng. Giá trị hợp đồng sau điều chỉnh trên 17,1 triệu Euro (tăng trên 6,5 triệu Euro so với hợp đồng ban đầu).
Thanh tra Chính phủ cho rằng, một số nội dung điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng, nhưng không tăng nhiệm vụ, mà chủ yếu do quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Systra bị chậm trễ kéo dài so với tiến độ dẫn đến phát sinh tăng chi phí.
Metro Nhổn - ga Hà Nội trong ngày đầu chính thức vận hành. |
Mặt khác, quá trình thương thảo điều chỉnh hợp đồng tư vấn, chủ đầu tư không làm rõ trách nhiệm của tư vấn Systra trong việc chậm trễ để xác định chi phí và giảm trừ khi lập dự toán bổ sung.
Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, nội dung tố cáo gói thầu về rà phá bom mìn, vật liệu nổ đoạn cầu cạn và nhà ga của nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô có dấu hiệu vi phạm pháp luật là có cơ sở.
Theo kết luận, đến thời điểm thanh tra, công tác nghiệm thu và thanh quyết toán gói thầu trên vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân chính là do hồ sơ nghiệm thu khối lượng không đảm bảo, có dấu hiệu sai khối lượng thi công. Mặt khác, hồ sơ hoàn công của gói thầu chưa đúng quy định, có hiện tượng không đúng với thực tế và không đúng với phương án kỹ thuật được phê duyệt.
"Trách nhiệm để xảy ra sai phạm này thuộc chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan: Bộ Tư lệnh Công binh - Cơ quan chủ quản nhà thầu, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô và đơn vị thi công gói thầu này", kết luận thanh tra nhấn mạnh.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Công binh, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến các vi phạm trong việc thực hiện hợp đồng về rà phá bom mìn, vật nổ đoạn cầu cạn.
Đối với nội dung tố cáo việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu số 3, hầm và các ga ngầm có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo Thanh tra Chính phủ, tố cáo này là có cơ sở.
Cụ thể, nhà thầu và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã ký hợp đồng thi công gói thầu số 3 khi chưa có mặt bằng sạch bàn giao để thi công.
Hiện tại, mặt bằng các ga 9, 10,11 đang điều chỉnh quy hoạch, chưa thể giải phóng mặt bằng được, dẫn tới chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu trong thời gian này.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch triển khai và yêu cầu bổ sung khoản kinh phí khoảng 40 triệu USD, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cùng các sở, ban, ngành liên quan thực hiện kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan đến các vi phạm; căn cứ kết quả kiểm điểm có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tiếp đó, đầu năm 2024, Thanh tra TP. Hà Nội có công bố kết luận một số nội dung liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội; trong đó, nhiều sai phạm nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng.
Theo Thanh tra TP. Hà Nội, UBND các quận: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm đã thực hiện theo chỉ đạo của thành phố, nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2012-2013, UBND các Quận: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình ban hành các thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án, nhưng phải đến năm 2019-2022, mới giải phóng xong mặt bằng.
Đánh giá về tiến độ này, Thanh tra cho rằng quá chậm so với chỉ đạo của UBND Hà Nội về việc giải phóng mặt bằng phải hoàn thành trước tháng 06/2015.
“Trách nhiệm thuộc UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và các đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án qua từng thời kỳ”, kết luận Thanh tra TP Hà Nội nêu rõ.
Thanh tra cũng chỉ ra hậu quả của việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu này là dự án bị kéo dài, làm tăng chi phí. Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã báo cáo sự việc ra Thường trực, Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
UBND TP. Hà Nội cũng nêu rõ việc chậm tiến độ và phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án có nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật còn chậm trễ. Năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở ngành của Thành phố còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khách quan như COVID-19, những thay đổi trong chế độ chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cũng theo kết luận của Thanh tra, trách nhiệm trong việc để dự án kéo dài, làm tăng chi phí thuộc về lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội qua từng thời kỳ từ năm 2013-2022.
Từ đó, Thanh tra TP. Hà Nội đề nghị UBND TP. giao Sở Nội vụ xem xét trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân, tham mưu cho thành phố xử lý theo quy định. Đồng thời, đề nghị UBND TP. chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị khẩn trương di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thực hiện dự án.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bán vé tàu Cát Linh - Hà Đông: