Nhiều tỉnh, thành từng tính phương án cách ly F1 tại nhà

Ngành y tế các địa phương từng là điểm nóng Covid như Đà Nẵng, Hải Dương ủng hộ việc thí điểm cách ly F1 tại nhà và cho hay từng tính đến việc này khi dịch bùng phát.

Bộ Y tế vừa hướng dẫn TP HCM thí điểm cách ly F1 tại nhà trong bối cảnh chủng virus mới lây nhiễm nhanh trên diện rộng, số lượng F1 rất lớn, gây quá tải cho các khu cách ly tập trung.

Bày tỏ quan điểm về chủ trương này, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến,Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết thành phố từng tính tới việc cách ly F1 tại nhà hồi tháng 7/2020, khi dịch bùng phát trở lại tại bệnh viện và ngoài cộng đồng.

Lúc đó, ngày nhiều nhất Đà Nẵng ghi nhận 45 ca mắc Covid-19 và thành phố đã xin ý kiến của Trung ương để cách ly F1 tại nhà. Tuy nhiên, giai đoạn này việc xử lý các tình huống liên quan đến F1 còn khá mới nên đề xuất chưa được đồng ý. Nhờ truy vết, xét nghiệm thần tốc bằng phương pháp gộp mẫu, khoanh vùng và cách ly nhanh; các khu cách ly tập trung của thành phố vẫn đáp ứng được nên sau đó Đà Nẵng không phải áp dụng biện pháp trên.

"Nếu người dân thực hiện tốt quy định 5K thì khi có ca F0 sẽ hạn chế được số lượng F1, từ đó sẽ giảm tải rất lớn cho các khu cách ly tập trung và không phải tính đến phương án cách ly F1 tại nhà", bà Yến nói.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho rằng áp dụng cách ly F1 tại nhà ở TP HCM hay một số địa phương đang bùng phát dịch là hợp lý trong tình hình nhiều F0 và F1 tăng cao, khu cách ly tập trung quá tải. Đồng thời, tránh được tình huống điều kiện khu cách ly tập trung ở nhiều nơi không đảm bảo, có thể xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.

Theo ông Thạnh, điều kiện để cách ly F1 là những gia đình, căn hộ có phòng riêng, độc lập, tách biệt việc sinh hoạt chung như Bộ Y tế đề ra "là phù hợp và nhiều hộ dân có thể đáp ứng được".

Vấn đề còn lại, địa phương phải có lực lượng theo dõi, giám sát và sự cam kết của người dân. "Việc kiểm tra, xử phạt rất quan trọng để có tác dụng răn đe, đảm bảo F1 thực hiện đúng yêu cầu đề ra", ông nói.

Để giám sát hiệu quả F1 khi cách ly tại nhà, ông Thạnh cho rằng nên ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là các thiết bị định vị gắn vào vòng đeo tay; nếu F1 ra khỏi khu vực cách ly thì thiết bị sẽ phát thông báo cho lực lượng giám sát.

Để giảm bớt gánh nặng cho nhân viên y tế phải đến từng nhà kiểm tra, hàng ngày F1 có thể tự đo thân nhiệt và thông báo cho cơ quan y tế.

Ở các khu phong toả hoặc địa phương đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, đã có quy định về việc "nhà cách ly với nhà". Do đó, trong trường hợp ghi nhận ca mắc mới sẽ dễ khoanh vùng theo từng hộ dân, và nếu có thí điểm cách ly F1 tại nhà cũng thuận lợi hơn. "Đà Nẵng từng thực hiện việc xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình cũng vì lý do này. Môi trường sinh hoạt chung trong nhà, qua tiếp xúc gần rất dễ lây nhiễm. Khi xét nghiệm cho một người trong gia đình có thể đánh giá được nguy cơ trong hộ gia đình đó", ông Thạnh nói thêm.

Người dân trong khu vực phong toả ở Đà Nẵng cũng được yêu cầu cách ly nhà với nhà, lực lượng chức năng thường xuyên giám sát. Ảnh: Nguyễn Đông

Người dân trong khu vực phong toả ở Đà Nẵng cũng được yêu cầu cách ly nhà với nhà, lực lượng chức năng thường xuyên giám sát. Ảnh: Nguyễn Đông

Từ kinh nghiệm ứng phó với làn sóng dịch bệnh tại Hải Dương, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế, nhìn nhận cách ly F1 tại nhà khó giám sát, khó đảm bảo an toàn hơn cách ly tập trung, "tuy nhiên, đây là phương án bắt buộc phải tính đến, nếu dịch bệnh bùng phát và số F0 và F1 tăng cao".

Theo ông Cường, F1 là những trường hợp nguy cơ cao làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, nên việc cách ly những người này "là một trong những yếu tố quyết định thành công của việc chống dịch". Mỗi nước áp dụng biện pháp khác nhau, và trong thực tế nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình cách ly F1 và F0 triệu chứng nhẹ tại nhà.

Thời điểm dịch bùng phát diện rộng, toàn tỉnh Hải Dương có 17.000 đến 18.000 F1. Ngành y tế phải trưng dụng rất nhiều trường học làm nơi cách ly tập trung, trong đó ưu tiên trường mầm non, bởi có khu vệ sinh rộng rãi so với các nơi khác. Tỉnh cũng yêu cầu các xã phải tận dụng cơ sở vật chất làm nơi cách ly tại chỗ, tránh dồn vào một nơi.

"Khó khăn nhất khi cách ly tập trung là phải đảm bảo cơ sở vật chất, từ phòng ngủ, giường ngủ, nhà vệ sinh, nhà tắm cho hàng nghìn người. Khi F1 quá nhiều trong một thời điểm, rất khó tìm được những nơi đáp ứng đủ điều kiện. Hơn nữa, để vận hành, giám sát một khu cách ly tập trung đòi hỏi rất nhiều nhân lực", ông Cường phân tích.

Khu cách ly học sinh tại Mầm non Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, tháng 2/2021. Ảnh: CTV

Khu cách ly học sinh tại Mầm non Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, tháng 2/2021. Ảnh: CTV

Vì vậy, theo ông Cường, việc áp dụng mô hình cách ly F1 tại nhà "là điều chúng tôi đã dự đoán từ trước, cần thực hiện ở từng thời điểm, tình huống thích hợp". Thậm chí, với các ca F0 không có triệu chứng nặng cũng nên được điều trị tại nhà, để giảm áp lực cho các bệnh viện.

Hồi đầu năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát, Hải Dương đã thực hiện cách ly tại nhà cho người nhập cảnh. Tỉnh huy động chính quyền địa phương, tổ giám sát Covid-19 cộng đồng vào cuộc, nên "chưa có trường hợp nào được phát hiện trốn ra khỏi nhà trong thời gian cách ly".

Đến giai đoạn cao điểm chống dịch, khu cách ly tập trung ở Hải Dương quá tải, song lúc này chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế và các cấp có thẩm quyền, nên tỉnh không thực hiện cách ly F1 tại nhà. Lúc này lực lượng quân đội đã vào cuộc hỗ trợ Hải Dương về nơi cách ly cũng như việc quản lý nên tình hình dần giảm nhiệt.

"Hiện nay Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể, do vậy các địa phương nếu được áp dụng cách ly F1 tại nhà sẽ thuận lợi trong triển khai. Ngoài việc thông tin để nâng cao ý thức chấp hành của F1 và gia đình, các địa phương cần phát huy vai trò giám sát của tổ Covid-19 cộng đồng", ông Cường nói.

Tại Hà Tĩnh đến nay có hơn 300 cơ sở cách ly tập trung cho hơn 4.000 F1, mỗi người được bố trí một phòng để tránh lây nhiễm chéo.

Quyền giám đốc Sở Y tế, ông Nguyễn Tuấn cho biết, trung bình một bệnh nhân có khoảng 25 F1. Kịch bản Hà Tĩnh xuất hiện 300 đến trên 500 bệnh nhân thì số lượng F1 rất nhiều, trường hợp khu cách ly tập trung, khách sạn không đủ, tỉnh phải tính đến phương án cách ly tại nhà.

Nhà chức trách huyện Kỳ Anh kiểm tra việc cách ly tại nhà của F2, tháng 5/2021. Ảnh: Anh Đức

Nhà chức trách huyện Kỳ Anh kiểm tra việc cách ly tại nhà của F2, tháng 5/2021. Ảnh: Anh Đức

"Hiện Bộ Y tế đã giao cho TP HCM thí điểm, Hà Tĩnh cũng phải tính dần để khỏi bị động sau này, không chờ nước đến chân mới nhảy", ông Tuấn nói.

Theo ông, để F1 được cách tại nhà, điều đầu tiên là đáp ứng đủ tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra; thứ hai là ý thức của người cách ly; cuối cùng là sự giám sát của hàng xóm, tổ dân phố...

"Hiện nay, Hà Tĩnh đang cách ly F2 tại nơi lưu trú, có dán biển trước nhà, lực lượng chức năng đi kiểm tra cho thấy cơ bản người dân chấp hành tốt. Ở nơi nào có tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng, hàng xóm giám sát thì F2 tuân thủ rất nghiêm ngặt. Với tinh thần này, lúc cần triển khai cách ly F1 tại nhà, tỉnh có thể làm được trên cơ sở đánh giá thêm các yếu tố liên quan khác", ông Tuấn cho hay.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F1 được cách ly tại nhà 28 ngày nếu có nhà ở riêng (biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập). Nhà có phòng cách ly riêng, khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nhà nhiều tầng thì dùng riêng một tầng để cách ly F1. Các hộ gia đình đảm bảo có một phòng khác để nhân viên y tế đến khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe F1.

Phòng cách ly có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng; đủ dụng cụ sinh hoạt cá nhân; có dụng cụ đo thân nhiệt; thùng đựng rác có nắp đậy và dán nhãn "chất thải có nguy cơ chứa Covid-19".

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã lan ra hầu khắp cả nước. Các chiến sĩ áo trắng đang căng mình chống dịch trong mùa hè oi bức. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.

Theo vnexpress.net
back to top