Nhà giáo Phạm Duy Ninh, nguyên giáo viên Trường THPT Thăng Long, Hà Nội
Chúng ta đang bị nhiều thứ chi phối quá
Suốt đời gắn bó với ngành giáo dục, điều gì khiến ông tự hào nhất?
Điều khiến tôi tự hào nhất là có nhiều học sinh nay đã trưởng thành chia sẻ rằng, họ may mắn được học với một thế hệ những thày cô rất tâm huyết với nghề. Rất nhiều người uyên bác và có tài.
Một đồng nghiệp của tôi dạy môn sử. Ngày đó học sinh cũng không thích sử địa lắm. Nhưng anh giảng hay đến nỗi học trò rất thích học. Không những thế anh còn vẽ rất giỏi, vừa giảng anh có thể vừa vẽ minh họa lên bảng, tay phải vẽ lâu đài, còn tay trái vẽ công chúa… nên học sinh mê tít.
Nghề giáo đã cho tôi rất nhiều: sự yêu quý của học trò, sự tôn trọng của phụ huynh, sự kính trọng của những người là học trò của học trò mình và đặc biệt là rất nhiều những người bạn tri kỷ.
Thế hệ giáo viên như thế giờ có còn không, thưa ông?
Thế hệ bây giờ nhiều người giỏi. Không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn rất giỏi nhiều thứ khác, nhất là giỏi quan hệ. Ví dụ, có lần tôi đã được chứng kiến việc xe chúng tôi bị cảnh sát giao thông giữ lại, một học sinh cũ của tôi nay cũng công tác trong ngành giáo dục có thể gọi ngay cho người quen để nhờ can thiệp. Tức là họ có sẵn những mối quan hệ để khi cần thì gọi.
Còn thế hệ chúng tôi, rất nhiều người tài hoa nhưng cứ long đong lận đận.
Mọi thứ thay đổi, thì giáo viên cũng phải thay đổi?
Con người ta luôn nghĩ đến cái thiết thực, cái lợi cho mình trước. Cũng chẳng trách ai được, vì bây giờ chúng ta đang bị nhiều thứ chi phối quá. Ra trường muốn xin được việc phải mất tiền. Muốn về trường tốt cũng lại phải tiền. Vậy thì phải làm thế nào để thu lại số tiền ấy chứ. Và trong số những việc giáo viên có thể làm được, an toàn nhất là dạy thêm.
Vẫn biết nói thế là bao biện, nhưng đấy là thực tế. Mà tình trạng này phổ biến lắm. Cứ đi học thêm, rồi đến lớp được điểm cao là học sinh vui, phụ huynh vui, giáo viên càng vui. Nhưng thực tế thì đứa trẻ học được gì hay chỉ biết làm theo đúng bài mẫu.
Thầy cô phải là người hướng dẫn cách học thôi chứ không phải người làm hộ, nghĩ hộ. Không phải ở lớp học thêm hôm nay ra bài này thì mai trên lớp kiểm tra đúng bài đấy.
Tôi là người tự mình làm nên với hai bàn tay trắng nên tôi hiểu cái sự lăn lộn, cọ xát nó rèn luyện, nó làm mình nên người như thế nào. Chứ sinh ra trong nhung lụa, tiền nhiều không biết tiêu vào đâu cho hết, làm gì cũng theo ý thích của mình, muốn gì được nấy… đến lúc gặp khó khăn thì làm sao có đủ bản lĩnh mà vượt qua được. Cứ cho là bây giờ anh kiếm được nhiều tiền, cuộc sống khá giả, nhưng nhỡ sau này làm ăn không được hay có chuyện gì xảy ra, con cái có biết đường mà xoay sở không.
Dạy con, không ai làm thay được
Theo ông, có tình trạng đó là do đâu?
Cũng không nên đổ hết cho xã hội, mà gia đình cũng mang lỗi rất nặng vì gần như cái gì cũng khoán đứt cho nhà trường. Nhiều người bỏ rất nhiều tiền ra cho con đi học hết lớp nọ đến lớp kia, cứ tưởng thế là yên tâm. Nhưng trẻ con nó học chứ không phải thày cô học hộ.
Mà bây giờ là thày cô đang học hộ đấy. Chính phụ huynh là một trong những nguyên nhân trẻ con phải học thêm nhiều như thế.
Chứ không phải vì giáo viên tìm nhiều cách bắt phải đi học thêm?
Thực ra học thêm không phải là xấu cả đâu. Học ở trường không đủ để đáp ứng nhu cầu của học sinh, muốn thi vào trường chuyên, thi đại học… thì phải học thêm.
Tôi muốn nói đến cái khía cạnh một số phụ huynh đang trốn tránh trách nhiệm bằng cách cho con học thêm hết lớp nọ đến lớp kia, đẩy cho người khác việc quản lý con, để mình có thời gian yên tâm làm kinh tế, kiếm tiền. Như thế là không được.
Nhưng có người lại cho rằng, đã có sự phân công lao động trong xã hội, tôi làm việc này thì đã có người khác làm việc giáo dục con tôi?
Con cái là sản phẩm của mình, nó có được tròn trịa hay không là do mình có biết uốn nắn, chỉnh sửa, tạo cho nó có nền tảng hay không. Không ai làm thay việc này cho mình được. Phải chính tự mình dạy mới truyền cảm được cho con, từ tính cách đến những thói quen không ai hiểu con cái bằng bố mẹ, không ai thương con bằng bố mẹ.
Những kinh nghiệm sống, những vấp váp trong cuộc đời của chúng ta không truyền cho con thì còn mong ai dạy cho con mình. Chúng tôi đã nuôi dạy 3 đứa con tôi biết, nhiều khi mình phải lăn vào, phải theo sát.
Khi các con vào trường tôi học, tôi luôn nhờ các thầy cô phải nghiêm khắc hơn với chúng. Có lần con trai tôi đi học muộn 10 phút, tôi theo vào lớp thấy thầy giáo vẫn cho vào, tôi nói với thầy cứ cho cháu nghỉ học để lần sau nó nhớ. Chúng tôi rất nghiêm khắc với các con, nhờ thế chúng đều thành công trong cuộc sống.
Phải biết tự điều chỉnh
Kiếm nhiều tiền cũng là lo cho con, cho cả tương lai của chúng nữa?
Đúng là nhiều người vẫn nghĩ như thế đấy. 2 tiếng đồng hồ chơi với con thì họ có thể kiếm được bao nhiêu tiền, vì thế họ thuê người thay mình trông con, dạy con và chơi với con. Cho con học những trường tốt, thầy tốt, thế là yên tâm rồi, là nghĩ mình là người bố người mẹ tốt rồi.
Nhưng với một đứa trẻ 1-2 tuổi nó đã cảm nhận được ai quan tâm, ai đối xử với nó như thế nào. Hay ngay như với người già cũng vậy, con cái thỉnh thoảng về đưa cho một đống tiền, rồi nghĩ thế là có hiếu lắm rồi. Nhiều khi, một cốc nước đưa đến tận tay, một cử chỉ quan tâm của con cái còn quý hơn rất nhiều.
Thực ra nhiều khi công việc buộc người ta phải lựa chọn như vậy?
Kiếm tiền và dạy dỗ con cái là hai việc quan trọng của mỗi người. Vấn đề là mình phải biết tự điều chỉnh. Có những giai đoạn con cái rất cần tới sự quan tâm, chỉ bảo của cha mẹ thì phải tạm cho việc kiếm tiền xuống hàng thứ yếu để mà ở bên con.
Nếu biết gia đình là quan trọng, giáo dục con cái là quan trọng thì ta sẽ biết phải ưu tiên cái gì.
Có thể là người ta biết mình không có kiến thức để dạy con tốt nên kiếm thật nhiều tiền để đầu tư cho con học trường tốt, lớp tốt?
Kiến thức sống quan trọng nhất là những cái gì của mình. Mà kiến thức sống nhà trường dạy một phần, còn gia đình phải dạy.
Tôi biết nhiều gia đình giàu có, nhưng con cái thì hỏng cả. Thế thì kiếm nhiều tiền để làm gì? Không ai phủ nhận kiếm tiền là quan trọng, nhưng có những lúc phải xếp nó xuống hàng thứ yếu để ưu tiên cho việc dạy dỗ, giáo dục con cái.
Có người nghĩ rằng thế hệ mình đã khổ rồi thì phải để cho con cái sướng, ở nhà cũng chiều, đến trường cô cũng chiều, thế nên nghiêm khắc được với con là rất khó?
Chúng tôi thì cũng chỉ nghiêm khắc được với các con mình thôi, còn với các cháu thì lại không can thiệp được nhiều. Chúng nó sang bên này thì ông bà nhắc nhở uốn nắn. Nó yêu ông bà thì nó nghe lời. Nhưng bố mẹ chúng nó lại dạy dỗ kiểu khác.
Các cháu tôi bây giờ đứa thì cho học trường quốc tế, đứa thì học thêm hết lớp nọ đến lớp kia. Có đứa có cả nửa phòng đầy đồ chơi, rồi gãy rồi vỡ, thích thì mua, không thích thì bỏ đi, không biết tiết kiệm gì cả. Mình có kể những chuyện ngày xưa thì chúng nó bảo chuyện cổ tích, cổ lỗ sĩ rồi. Thế nên tôi cũng chỉ nói một lần thôi.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Nhật Minh thực hiện