Nhiều bất thường trong công tác đấu thầu tại Điện lực Hoà Bình

(khoahocdoisong.vn) - Trong nhiều gói thầu, Công ty Điện lực Hòa Bình đã đưa vào một số điều kiện, hoặc áp dụng quy định pháp luật một cách khó hiểu, khiến xuất hiện nghi vấn về minh bạch trong công tác đấu thầu.

Nêu nhãn hiệu, xuất xứ trong hồ sơ mời thầu

Trong Hồ sơ mời thầu của gói thầu mua sắm xe ô tô tải cẩu có gắn gầu phục vụ sản xuất kinh doanh các điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Hoà Bình, chủ đầu tư là Điện lực Hoà Bình ghi rõ danh mục cung cấp hàng hoá xe tải 4,5 tấn cẩu, số lượng 05 chiếc.

Đáng chú ý tại hồ sơ mời thầu của gói thầu này, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu tham gia phải cung cấp sản phẩm cẩu sử dụng nhãn hiệu Unic- Model UR - V345. Về hạng mục dây cáp thuộc phần tời, Công ty Điện lực Hoà Bình cũng yêu cầu nhà thầu phải chào thiết bị theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Trong khi đó, theo Luật Đấu thầu 2013 và Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Việc sử dụng xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa trong hồ sơ mời thầu với gói thầu mua sắm hàng hóa khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi là hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng nghiêm cấm việc nêu xuất xứ, nhãn hiệu, cataloge của một số sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa trong Hồ sơ mời thầu khi có thể mô tả được chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ của hàng hóa đó.

Nghị định 63/2014/NĐ-CP về lập hồ sơ mời thầu chỉ rõ, “trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”. Theo đó, hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa.

Tại gói thầu này của Điện lực Hòa Bình, hàng hoá trúng thầu là xe tải 4,5 tấn gắn cẩu chính là của Hino Motors Việt Nam, với thiết bị cẩu được cam kết là: Nhập khẩu nguyên chiếc xuất xứ từ Nhật Bản. Công ty CP thiết bị Việt Trung trúng gói thầu này với giá 8.514.000.000đ, (tương đương 5 chiếc mỗi chiếc 1.702.800.000đ), đã được phê duyệt ngày 12/05/2017. So với giá gói thầu đưa ra là 8.525.000.000đ, thì giá trúng thầu chỉ vỏn vẹn giảm 11 triệu đồng.

Ảnh minh họa, nguồn internet.

Ảnh minh họa, nguồn internet.

Khó hiểu trong áp dụng luật

Tại gói thầu: “Mua sắm thiết bị Công trình: Giảm tiêu thụ điện năng (TTĐN) các trạm biến áp (TBA) có TTĐN >10% Khu vực Yên Thủy; Giảm TTĐN các TBA có TTĐN >10% Khu vực Mai Châu; Giảm TTĐN các TBA có TTĐN >10% Khu vực Lạc Sơn; Giảm TTĐN các TBA có TTĐN >10% Khu vực Kim Bôi; Giảm TTĐN các TBA có TTĐN >10% Khu vực Lạc Thủy; Xây dựng mới các TBA phân phối khu vực huyện Lạc Sơn, Yên Thủy năm 2020” của Công ty Điện lực Hòa Bình có 05 nhà thầu tham gia.

Qua quá trình đánh giá, đến vòng năng lực và kinh nghiệm chỉ còn 2 nhà thầu là Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thiết bị điện Vinh Quang và Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Thiên Việt.

Tuy nhiên, khi đánh giá kỹ thuật, Công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị điện Vinh Quang bị Điện lực Hoà Bình loại với lý do thiếu một số tài liệu chứng minh sự phù hợp của hàng hoá chào thầu như: biên bản thử nghiệm điển hình của CSV; Biên bản Test các Aptomat theo yêu cầu HSMT.

Đáng chú ý là Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thiết bị điện Vinh Quang có giá dự thầu thấp nhất trong các nhà thầu tham dự gói thầu với giá dự thầu 772.970.000đ. Trong khi đó, Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Thiên Việt tham dự với giá dự thầu lên tới 1.075.195.000đ.

Theo Nghị định 63/NĐ-CP và Chỉ thị 47/CT-TTg quy định, trường hợp có những thông tin cần làm rõ, chủ đầu tư phải có trách nhiệm yêu cầu nhà thầu bổ sung tài liệu, làm rõ trên nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT/HSĐX đã nộp và giá dự thầu.

Quy định như vậy, nhưng không hiểu lý do gì Công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị điện Vinh Quang không được làm rõ hồ sơ mà bị loại. Chính vì vậy cuối cùng Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Thiên Việt là nhà thầu duy nhất lọt vào vòng sau để rồi trúng thầu.

Tuy nhiên, ở gói thầu khác là gói “Mua sắm thiết bị (đợt 2) công trình: Giảm TTĐN các TBA có TTĐN >10% Khu vực TP Hòa Bình và Kỳ Sơn; Giảm TTĐN các TBA có TTĐN >10% Khu vực Cao Phong và Tân Lạc; Giảm TTĐN các TBA có TTĐN >10% Khu vực Đà Bắc; Xây dựng các TBA treo lệch (trạm giàn 1 cột) giảm bán kính cấp điện; Xây dựng mới các TBA phân phối khu vực huyện Cao Phong, Tân Lạc năm 2020; Xây dựng mới các TBA phân phối khu vực TP”... thì Công ty Điện lực Hoà Bình lại cho phép các nhà thầu bổ sung những tài liệu tương tự để làm rõ, chứng minh.

Trong đó, Điện lực Hoà Bình cho phép Công ty CP đầu tư EPT bổ sung 01 giấy xác nhận vận hành thành công của thiết bị: Aptomat, máy biến dòng điện, chống set van; Bổ sung biên bản Test tủ, mã tỷ loại 75A, 125 A, 150A, 250A, 400A;...

Sau khi được cho phép bổ sung tài liệu Công ty CP đầu tư EPT đã trở thành nhà thầu trúng thầu gói này, với giá trúng thầu 1.598.058.000đ, được phê duyệt ngày 19/02/2020.

Như vậy, qua cách thức tổ chức và lựa chọn nhà thầu trong các gói thầu của Điện lực Hòa Bình, có thể thấy sự tương phản khó hiểu trong áp dụng quy định pháp luật đấu thầu trong từng gói thầu. 

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top