Theo chuyên gia năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi, hiệu suất của nhà máy nhiệt điện than dùng để so sánh là hiệu suất điện thực (còn gọi là hiệu suất tinh). Đó là tỷ lệ phần trăm giữa sản lượng điện năng phát lên lưới so với lượng nhiệt năng của than đá nhiên liệu đầu vào, không tính điện năng tự dùng của nhà máy. Tại Việt Nam, nếu tính cả hai nhà máy Sông Hậu 1 và Hải Dương BOT vừa đưa vào vận hành thì tổng công suất nhiệt điện than cả nước hiện là 22.130MW với 30 nhà máy. Trong đó, có 26 nhà máy áp dụng công nghệ cận tới hạn với tổng công suất 18.436MW, chiếm 83%. Chỉ có 4 nhà máy áp dụng công nghệ siêu tới hạn, gồm Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng và Sông Hậu 1 với tổng công suất là 3.694MW, chiếm 17%.
Nhiệt điện than của Việt Nam rất lạc hậu so với thế giới khi chiếm đa số là công nghệ cận tới hạn với dải hiệu suất thấp nhất và cũng phát thải ô nhiễm cao nhất. Hiệu suất thực trung bình tại Việt Nam của nhiệt điện than cận tới hạn là 35% và siêu tới hạn là 37%.
So với thế giới, hiệu suất trung bình của nhiệt điện than Việt Nam thấp hơn 2,2 điểm phần trăm. Con số này tưởng là không đáng kể nhưng thực tế, hiệu suất trung bình nhiệt điện than thế giới chỉ tăng 3,4 điểm phần trăm trong 20 năm (1996 - 2016), từ 34,1% lên 37,5%. Điều đó cũng có nghĩa nhiệt điện than Việt Nam lạc hậu gần 13 năm so với thế giới.
Việc siết chặt quy chuẩn khí thải nhiệt điện cũng như chỉnh sửa quy chuẩn chất lượng không khí xung quanh theo đúng khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là yêu cầu cần phải làm. Chỉ có triệt để áp dụng các giải pháp đó thì Việt Nam mới có thể ngăn chặn đà suy thoái môi trường cũng như những thiệt hại về sức khỏe và kinh tế đang gia tăng do nhiệt điện than gây ra.