Trong nửa đầu tháng 6, có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, song, kim ngạch các nhóm hàng chủ lực đều giảm. Điện thoại và linh kiện đạt hơn 1,96 tỷ USD, giảm khoảng 50 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,06 tỷ USD, giảm mạnh khoảng 800 triệu USD; máy móc thiết bị đạt 1,1 tỷ USD, giảm khoảng 260 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu đạt 13,65 tỷ USD, giảm gần 800 triệu USD so với nửa cuối tháng 5/2021. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là hai nhóm hàng nhập khẩu lớn với kim ngạch đạt 2,73 tỷ USD.
Trong 15 ngày đầu tháng 6, đã có 6.172 ô tô các loại hoàn thành thủ tục thông quan vào Việt Nam, với giá trị vượt trên 146 triệu USD, nâng tổng số xe nhập khẩu kể từ đầu năm đến ngày 15/6 lên con số 71.972 xe, với tổng giá trị lên đến hơn 1,65 tỷ USD. Số lượng xe du lịch dưới 9 chỗ vẫn chiếm chủ đạo với 4.044 chiếc được nhập về (chiếm 65,6%) với giá trị đạt 79 triệu USD; tiếp đến là các loại ô tô tải với 1.512 xe chiếm 24% số lượng và đạt giá trị hơn 37 triệu USD.
Các công ty sản xuất và lắp ráp xe trong nước đã chi ra hơn 242 triệu USD để nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô trong 15 ngày đầu tháng 6, nâng kim ngạch nhập khẩu từ đầu năm đến ngày 15/6 của ngành này đạt mức hơn 2,398 tỷ USD.
Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước đạt 288,68 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 143,36 tỷ USD, tăng 29,67% so với cùng kỳ năm 2020; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 145,32 tỷ USD, tăng 36%.
Trong 15 ngày đầu tháng 6, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về nhập siêu với mức 1,35 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/6, cả nước nhập siêu 1,96 tỷ USD. Sau nhiều năm liên tiếp duy trì xuất siêu, cán cân thương mại đã chuyển hướng sang nhập siêu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại là điều không có gì quá bất thường vì hiện nay, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt là cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu. Do vậy, sự gia tăng nhập khẩu cũng là điều tất yếu. Việc nhập khẩu tăng lên thậm chí còn là tín hiệu đáng mừng chứ không phải đáng lo.